Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Trung

GD&TĐ - Đạt điểm Á khoa đầu vào Khoa Ngoại ngữ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), sau 4 năm rèn luyện lại là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của trường, bạn Phạm Thị Phương Liên chia sẻ kinh nghiệm để học tốt môn tiếng Trung.

Phạm Thị Phương Liên - Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐH SPHN 2
Phạm Thị Phương Liên - Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐH SPHN 2

Đạt được kết quả học tập như ngày hôm nay, bên cạnh sự dạy dỗ tận tình, nhiệt huyết của các thầy giáo, còn là sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không ngừng vươn lên trong học tập.

Học tiếng Trung cũng như bất cứ một thứ ngoại ngữ nào, quan trọng nhất và quyết định thành công đó là sự cần cù, chăm chỉ.

Bốn kĩ năng trong tiếng Trung: Nghe, nói, đọc, viết đều quan trọng và đều cần phải phát triển một cách song song. 4 kĩ năng này trong tiếng Trung không chỉ là kĩ năng mà còn là một môn học.

Nghe đài học tiếng

Đối với những bạn bắt đầu học tiếng Trung, có lẽ cảm thấy khó khăn nhất là kĩ năng Nghe.

Ngay từ năm học đầu tiên, em đã rất chú trọng đến môn này bởi nền tảng tiếng trung của em không được như các bạn.

Em chuẩn bị cho mình một chiếc đài nho nhỏ, một bộ đĩa nghe tiếng Trung. Hằng ngày trước mỗi giờ lên lớp học tiết Nghe, em đã nghe trước bài hoặc là về nhà nghe lại bài đã học.

Có rất nhiều người cho rằng nghe trước bài Nghe ở nhà sẽ không tốt, như vậy đến lớp sẽ làm mình không tập trung nghe như các bạn vì ỷ lại là mình đã nghe ở nhà rồi.

Nhưng cá nhân em không cho là như vậy. Em nghe trước bài ở nhà, đến lớp lại chăm chú cùng các bạn nghe lại, và trên cơ sở những gì mình đoán, cô giáo giải thích cặn kẽ càng làm em hiểu bài kĩ hơn.

Đối với những câu mặc dù nghe đi nghe lại nhưng vẫn không hiểu, em đưa câu hỏi ra trước lớp, cô giáo giải thích, điều này không chỉ khiến cho em mà các bạn cùng lớp càng hiểu sâu hơn.

Có những lúc không có thời gian nghe bài trước ở nhà, sau tiết học em thường mở đĩa ra nghe lại tất cả những nội dung trong bài đã học. Nghe đồng thời cũng luyện nói luôn bằng việc nghe được một câu em thường dừng lại và nhắc lại câu băng vừa nói.

Bằng cách học như vậy em có thể nâng cao được cùng một lúc 2 kĩ năng. Năm học đại học thứ nhất trôi qua, điểm môn Nghe của em luôn dẫn đầu lớp, cao hơn cả các bạn đã học tiếng Trung từ hồi học THPT.

Ngoài ra có thời gian rảnh em còn nghe các bài hát bằng tiếng Trung, các bộ phim Trung Quốc không có phụ đề bằng tiếng Việt. Em nghĩ xem phim vừa có thể giải trí, xả stress lại vừa tích lũy vốn từ vựng, các kĩ năng cần thiết.

Nói chuyện trực tiếp với thầy cô

Kĩ năng Nói đối với các bạn bắt đầu học tiếng Trung cũng là một chướng ngại hết sức khó khăn. Có thể nghe hiểu các cô giáo người Trung nói gì nhưng mà muốn trả lời các cô, muốn nói chuyện với các cô lại hết sức khó khăn, đôi khi muốn nói mà không thể diễn đạt hết những điều mình muốn nói để các cô có thể hiểu được.

Năm thứ hai, em quyết định cải thiện tình trạng này bằng việc chú trọng hơn cho môn Nói. Em thường xuyên đến nhà các cô nói chuyện với các cô, nói gì các cô không hiểu thì diễn đạt bằng hành động, không sợ nói sai.

Các cô cũng luôn tạo điều kiện cho chúng em được rèn luyện khả năng nói nên thường rủ chúng em cùng đi chợ mua đồ, cùng các cô đi chơi, đi dạo phố mỗi buổi tối...

Đi cùng các cô em học được rất nhiều từ mời thông dụng trong cuộc sống hàng ngày mà không phải trong sách vở đều có. Cứ như thế, năm học thứ hai trôi qua em đã cải thiện được đáng kể khẩu ngữ tiếng Trung của mình.

Mỗi lần nói chuyện với các cô giáo em không còn thấy ngại hay sợ nói sai, vì em biết chỉ khi mình dám nói, nói sai các cô mới sửa cho mình và mới tiến bộ được.

Đọc thường xuyên

Kĩ năng Đọc và Viết trong Tiếng Trung cũng rất quan trọng, đi liền với nhau. Để thông thạo kĩ năng Đọc, em thường chăm chỉ học từ mới.

Em luôn xác định học ngoại ngữ là phải chăm chỉ ôn luyện mới có kết quả cao.

Nếu ngày nào học mà không luyện viết từ mới ngay, để đến lúc ôn thi “nước đến chân mới nhảy” thì không thể nào nhớ được hết tất cả những từ mới, học lúc đó chỉ với mục đích học để thi, để đối phó.

Phải xác định ngày ngày học từ mới để trau dồi vốn từ vựng của mình, vốn từ vựng phong phú mới Nghe hiểu, Nói tốt và Viết được. Ngoài ra trong kì nghỉ hè 1 tháng, em cũng không bỏ bê việc học, vì bản thân ngoại ngữ chỉ cần xao nhãng nó một thời gian thôi cũng khiến mình tụt dốc đi trông thấy.

Mỗi ngày em dành ra một khoảng thời gian để đọc các bài đọc bằng tiếng trung, làm bài tập để củng cố Ngữ pháp... Vào năm học mới, e thấy mình tự tin hơn hẳn với vốn kiến thức mình có.

Viết theo tưởng tượng, ghi nhớ

Khi được hỏi học tiếng Trung kĩ năng nào là khó nhất? Có lẽ không ít bạn cùng có chung một câu trả lời: Kĩ năng Viết trong tiếng Trung rất khó.

Chữ viết tiếng Trung là chữ tượng hình, có khi chỉ cần quên một nét là thành chữ khác với ý nghĩa khác xa hoàn toàn so với chữ ban đầu. Nhưng không phải vì thế mà chịu “bó tay” với nó.

Có rất nhiều cách nhớ chữ Hán khác nhau, em áp dụng cho mình phương pháp gắn tiếng Trung vào công việc hàng ngày. Chữ Hán là thể loại chữ tượng hình, em thường tưởng tưởng nó giống với những thứ gần gũi với em để nhớ lâu hơn.

Có rất nhiều những phương pháp học tập khác nhau, mỗi người lại có một cách học khác nhau, lựa chọn cho mình một phương pháp học tập đúng đắn sẽ là bước đệm đi đến thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.