Quan trọng là môi trường giáo dục
GS Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM cho rằng: “Chúng ta ngày càng hoàn thiện các chính sách khuyến khích học tập, cung cấp học bổng đúng đối tượng với nguồn lực đáng kể; có những thay đổi tạo công bằng trong đánh giá học sinh; hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập sáng tạo dần được triển khai rộng.
Mô hình trường chuyên tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được duy trì để sớm phát hiện các học sinh có tố chất học tập vượt trội, tạo ra môi trường học tập phù hợp…”.
Tuy nhiên, theo GS Thanh Mai, có 3 điểm cần khắc phục trong phát hiện, đào tạo nhân tài. Đó là tính liên thông từ giáo dục phổ thông với giáo dục đại học còn hạn chế, dẫn đến tính định hướng nghề nghiệp chưa cao. Những học sinh được xem là tài năng chỉ mới được đánh giá qua điểm số chứ chưa có các tiêu chí khác. Hiện tượng chảy máu chất xám còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Các chính sách phát triển nhân tài chưa thật sự hấp dẫn và linh động, chỉ tập trung ở người đã tham gia thị trường lao động.
Vì vậy, từ phổ thông đến đại học, chúng ta cần có những chương trình đào tạo mang tính liên thông các bậc học, liên môn và liên ngành, giảm các kiến thức về khoa học cơ bản và nâng cao các trải nghiệm thực hành xã hội cho người học.
Mặt khác, Nhà nước cần đầu tư cho các trường chuyên, chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, không phải theo hướng thành tích điểm số mà là cơ hội tiếp cận tri thức thế giới và sức bật trong thị trường lao động. Cần kết nối những cựu học sinh, sinh viên đang học tập, làm việc tại các môi trường giáo dục tiên tiến để quay về hỗ trợ đất nước thông qua những hoạt động đào tạo trong chính các cơ sở giáo dục, đặc biệt là nơi họ từng trưởng thành.
TS Trương Tấn Đạt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đồng Tháp lại cho rằng: Cần thống nhất khái niệm nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài; tiếp tục xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù đối với đối tượng nhân tài; đãi ngộ phải dựa trên hiệu quả công việc và thường xuyên điều chỉnh, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng và bình đẳng; xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, cùng đưa ra ý tưởng và phối hợp thực hiện; đổi mới sáng tạo trong môi trường giáo dục và xây dựng các nhà trường hạnh phúc...
“Cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành Giáo dục; đặc biệt, lựa chọn, bố trí người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, cơ sở giáo dục có trình độ, năng lực, thực sự là tấm gương tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống…
Đây là một trong những yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài; bởi lẽ, chỉ có nhân tài mới sử dụng được nhân tài và nhân tài chỉ đi theo những người họ nể phục”, TS Trương Tấn Đạt nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống tại Viện Bảo tàng Hàng không ở Seattle (Mỹ). Nguồn: NVCC |
Mô hình kim tự tháp giáo dục đại học
PGS Nguyễn Thiện Tống – Trưởng ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) cho biết, để hướng đến nhiệm vụ nâng cao năng lực bồi dưỡng nhân tài của các cơ sở đào tạo, cần phát triển mạnh một số đại học hàng đầu Việt Nam theo mô hình viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu. Mục tiêu của các viện này là dẫn đầu hoạt động nghiên cứu ở mọi lĩnh vực và đào tạo tài năng chất lượng cao.
“Giáo dục đại học trên thế giới đang trải qua quá trình phân hóa từ sáu thập niên qua. Trong khi sự phân hóa hàng ngang để đáp ứng nhu cầu gia tăng số lượng của giáo dục đại học, thì phân hóa hàng dọc theo mô hình kim tự tháp để đáp ứng nhu cầu khác nhau về các loại kỹ năng, trình độ của giáo dục đại học.
Trên đỉnh kim tự tháp giáo dục đại học là các viện đại học nghiên cứu, ở vị trí trung tâm là các viện đại học giảng dạy, phần đáy của kim tự tháp giáo dục đại học là các trường cao đẳng cộng đồng, trường cao đẳng chuyên nghiệp và dạy nghề”, PGS Nguyễn Thiện Tống nói.
Các viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu ở đỉnh kim tự tháp, theo PGS Nguyễn Thiện Tống chính là nơi thu hút để tập trung nhiều giáo sư, sinh viên giỏi, tập trung vào nghiên cứu khoa học và có số lượng sinh viên đào tạo trên đại học bằng hay nhiều hơn số sinh viên đại học. Đồng thời, cần đưa các viện nghiên cứu rải rác các nơi về tập trung vào các đại học nghiên cứu đa lĩnh vực để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nhất là về các lĩnh vực liên ngành.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài tại các đại học nghiên cứu, PGS Nguyễn Thiện Tống cho rằng việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nên thực hiện toàn thời gian. Ngoài ra, cần có học bổng tương đương như lương cho những nghiên cứu sinh này để họ vừa nghiên cứu vừa tham gia làm trợ giảng trong trường đại học.
Hiện nay, có nhiều chương trình học bổng đại học của các tổ chức không vì lợi nhuận, nhưng chỉ có tư nhân tham gia. Trên cơ sở đó, PGS Nguyễn Thiện Tống đưa ra sáng kiến nên có mô hình học bổng loại đối ứng 1 – 1, nghĩa là Nhà nước và tư nhân cùng tham gia, tư nhân ủng hộ 1 triệu đồng thì Nhà nước cũng ủng hộ tương ứng và cùng nhau xét chọn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh để cấp học bổng. Khi có những đại học chất lượng cạnh tranh với nhau, những người tài năng tự khắc tìm đến để học tập, giảng dạy, nghiên cứu, nhất là khi có những học bổng giá trị cho họ.
Trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TPHCM) – nơi tạo nguồn sinh viên giỏi cho các trường đại học và tạo nguồn cung cấp thành viên cho các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế. Ảnh: NTCC |
Tạo tuần hoàn chất xám
Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra nhiệm vụ chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam.
PGS Nguyễn Thiện Tống khẳng định phải nhanh chóng mời gọi đội ngũ chuyên gia người Việt ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam. “Cần có sự liên kết với các giáo sư quốc tế, mà con đường dễ dàng nhất là thông qua những giáo sư Việt kiều. Các trường đại học ở Việt Nam nên mời các chuyên gia gốc Việt về tham gia công tác đào tạo chứ không dừng lại ở chức danh giáo sư cố vấn hay danh dự. Nhiều chuyên gia gốc Việt muốn về nước để cống hiến không phải vì lý do quyền lợi” - PGS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.
Một trong những cách để thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành gốc Việt, theo PGS Nguyễn Thiện Tống là mời họ về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu trong thời gian nghỉ phép “sabbatical leave”. Trong quy chế nghỉ phép này, sau khoảng thời gian làm việc 5 - 6 năm, một giáo sư có thể nghỉ phép có lương từ 6 đến 12 tháng và dùng thời gian này để làm việc tại một trường đại học khác.
“Để thu hút người tài từ nước ngoài về nước làm việc cần môi trường làm việc tốt, có sự đãi ngộ, không phân biệt trong hay ngoài nước… thì chắc chắn họ sẽ trở về”, PGS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Những năm qua, Trường ĐH Đồng Tháp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thu hút, giữ chân người tài. Trong đó, giải pháp căn cơ, then chốt là “Kiến tạo điều kiện và môi trường làm việc đáp ứng được kỳ vọng của những người giỏi, giảng viên trẻ tài năng”. Với triết lý “Kiến tạo – Chuyên nghiệp – Hội nhập”, trường luôn quan tâm và có những chủ trương, chính sách phù hợp để mỗi cán bộ, giảng viên được ghi nhận, thể hiện và phát triển bản thân thông qua các nhiệm vụ.
Đặc biệt, đợt tuyển dụng viên chức tháng 7/2023, Trường ĐH Đồng Tháp đã dành gần 1 tỷ đồng thu hút tân tiến sĩ. Mỗi viên chức tuyển dụng mới có học vị tiến sĩ theo chính sách thu hút với mức 250 triệu đồng, được bố trí công việc phù hợp và được tạo điều kiện có nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. - TS Trương Tấn Đạt (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đồng Tháp)