Thu hút, trọng dụng nhân tài: Mục tiêu lâu dài, việc làm trước mắt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, thu hút, trọng dụng nhân tài cho ngành Giáo dục vừa là việc làm trước mắt, song cũng là mục tiêu chiến lược lâu dài.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Để giải quyết bài toán này cần nhiều yếu tố, với những giải pháp đồng bộ và căn cơ.

“Vướng” cơ chế, chính sách

Cuối năm 2022, nhóm chuyên gia, giảng viên của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) gồm: PGS.TS Lưu Quốc Đạt, ThS Trần Phương Thảo, ThS Đỗ Thị Minh Huệ, ThS Nguyễn Thị Phan Thu đã công bố kết quả khảo sát tại 13 cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Hà Nội, Sơn La, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm GS, PGS tăng từ 4,42% (năm 2008) lên 7,92% (năm 2022). Ở trình độ tiến sĩ, tăng từ 10,07% (tháng 12/2008) lên 26,05% (năm 2022). Đối với thạc sĩ tăng từ 45,4% (12/2008) lên đến 61,4% (2022). Đáng chú ý, trong giai đoạn 2009 - 2013, số lượng công bố quốc tế (ISI/Scopus) tăng gấp 7,5 lần. Công bố trong nước tăng khoảng 2 lần, số lượng sách xuất bản tăng 3,5 lần. Sản phẩm chuyển giao tăng 1,9 lần.

Theo PGS.TS Lưu Quốc Đạt, các văn bản của Nhà nước, Bộ GD&ĐT cơ bản hoàn thiện quy định về môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức, đồng thời thể hiện sự đãi ngộ, tôn vinh trí thức và trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế, chính sách về thu hút đội ngũ nhân tài, trí thức trẻ vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

“Chẳng hạn như: Mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm của các trường đại học còn nhiều thách thức. Hiện cơ chế tiền lương (theo ngạch bậc) chưa có tác dụng khuyến khích nỗ lực của người lao động cũng như thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, nhà khoa học trẻ từ nước ngoài về làm việc tại cơ sở giáo dục, đào tạo” - PGS.TS Lưu Quốc Đạt viện dẫn.

Tân cử nhân Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: NTCC

Tân cử nhân Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: NTCC

Điều kiện “chiêu hiền đãi sĩ”

“Về cơ bản, chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên khó khuyến khích đội ngũ giảng viên và giữ chân người tài, nhất là đội ngũ trẻ. Lương thấp nên một số cán bộ chuyển sang đơn vị khác; điều này tiềm ẩn nguy cơ chảy máu chất xám nội ngành” - PGS.TS Lê Anh Tuấn bày tỏ lo ngại.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27–NQ/TW của Trung ương Đảng khóa X; PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ, việc tuyển dụng đội ngũ trí thức trẻ có trình độ cao, nhất là những người được đào tạo ở nước ngoài về còn “vướng” bởi cơ chế. Ngoài ra, hiện nay chưa có chính sách đặc thù nên khó thu hút người giỏi.

Trên phương diện nghiên cứu khoa học công nghệ, TS Đinh Minh Hằng - Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện trạng đầu tư ở lĩnh vực này còn thấp. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 636 giảng viên (trong đó: 424 TS; 128 GS và PGS). Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học mỗi năm khoảng 6 - 8 tỉ đồng. Tính trung bình, mỗi giảng viên được đầu tư từ 10 - 15 triệu đồng/năm. “Mức đầu tư này chưa thu hút được các giảng viên, nhất là những người tài giỏi” - TS Đinh Minh Hằng nêu vấn đề.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội luôn sẵn sàng cung cấp nhân lực phục vụ sự phát triển của ngành Giáo dục, xã hội. “Chúng tôi mong mỏi giá trị lao động của nhà giáo được hiểu đúng, để tri thức và lòng nhân ái được lan tỏa” - TS Đinh Minh Hằng bày tỏ và cho rằng, cần tạo động lực, với các chính sách căn cơ, đủ mạnh trong giai đoạn tới. Qua đó, nhằm khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các trường đại học và thu hút, giữ chân người giỏi.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất, các cơ chế, chính sách cần thông thoáng hơn nhất là trong tuyển dụng đội ngũ giảng viên, trí thức trẻ, những người được đào tạo ở nước ngoài. Mặt khác, có chính sách đặc thù với những người tài, có giải thưởng quốc tế. Nên chăng bãi bỏ quy định về độ tuổi lao động với những người có học hàm, học vị cao, tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài các chính sách đãi ngộ, PGS.TS Lưu Quốc Đạt cho rằng, cần tạo điều kiện về vật chất và tinh thần, môi trường làm việc để thu hút các nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước về công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Cùng đó, tiếp tục cải cách các chính sách ưu đãi về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt... đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số…

Để tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất, cần xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh và tránh chồng chéo. Hiện nay, đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Do đó, Nhà nước cần tăng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này, bởi đội ngũ trí thức giáo dục đại học được xem là những người dẫn dắt tạo nên sự phát triển và tăng trưởng của đội ngũ trí thức trên toàn quốc.

“Muốn thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần có cơ chế ‘chiêu hiền đãi sĩ’ phù hợp. Với đội ngũ trí thức tài năng, nhất là với trí thức trẻ, cần tạo điều kiện để họ có ‘đất dụng võ’. Đây cũng là một trong những mấu chốt của vấn đề để chúng ta có thể thu hút nhân tài cho giáo dục. Tất nhiên, cũng cần có chính sách, chiến lược cụ thể để thu hút, trọng dụng nhân tài trước mắt và lâu dài” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Tân cử nhân Trường ĐH Công đoàn rạng rỡ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: TG

Tân cử nhân Trường ĐH Công đoàn rạng rỡ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: TG

Cơ chế, chính sách đủ mạnh

Khẳng định, muốn thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục thì phải có cơ chế đủ mạnh, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm, cơ chế ấy phải khả thi để hiện thực hóa trong thực tiễn. Nếu chỉ đưa ra những chính sách cho có, rồi vướng mắc khi triển khai thì khó để thu hút nhân tài.

Vừa qua, Hưng Yên có cơ chế hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học khi được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Tỉnh này hỗ trợ 162 triệu đồng/giáo viên mầm non và 108 triệu đồng/giáo viên tiểu học. Việc hỗ trợ được thực hiện một lần bằng tiền và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác.

“Tất nhiên, cơ chế chính sách còn phụ thuộc vào ngân sách mỗi địa phương. Song, từ chính sách thu hút giáo viên của tỉnh Hưng Yên, tôi muốn nhấn mạnh đến cách làm và vấn đề quyết tâm làm hay không? Nếu xác định giáo dục là quốc sách, gốc rễ của phát triển đất nước thì chúng ta không nên rụt rè. Thay vào đó, cần mạnh dạn làm và đưa ra những chính sách đủ mạnh để thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục nói riêng và đất nước nói chung” – bà Nga quả quyết.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, việc đầu tiên là do nhận thức. Chúng ta phải thấy việc thu hút, giữ chân người tài quan trọng và cấp thiết. Khi đã xác định được tầm quan trọng thì phải đầu tư. Đầu tư đủ mạnh thì sẽ có kết quả đủ lớn. Ngược lại có thể dẫn đến nửa vời. “Giống như chúng ta chăm sóc cây, muốn nó xanh tốt phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, chứ không chỉ tưới nước lã. Do đó, ngoài cơ chế đủ mạnh, cũng cần những điều kiện cần và đủ khác” – bà Nga viện dẫn.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27–NQ/TW của Trung ương Đảng khóa X, ông Trần Văn Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát triển đội ngũ trí thức, thu hút nhân tài.

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đây là yêu cầu cơ bản, quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đội ngũ nhà giáo phải có tầm tư duy sâu sắc, năng động, sáng tạo; có năng lực thực tiễn giỏi, năng lực đề xuất những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi chức trách sát với thực tiễn, hiệu quả cao.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có văn hóa làm việc khoa học, năng động, hiệu quả, vì dân. Đồng thời, xây dựng văn hóa làm việc chuyên nghiệp, có tính kế hoạch cao, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm là cần thiết.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bản lĩnh vững vàng phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhạy bén, sắc sảo về chính trị; tích cực đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội.

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ