Thu hút, trọng dụng nhân tài ngành Giáo dục trên thế giới ra sao?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện nhiều chính sách thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài cho ngành Giáo dục.

Luxembourg trả lương cho giáo viên cao nhất thế giới.
Luxembourg trả lương cho giáo viên cao nhất thế giới.

Bên cạnh đó vấn đề lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho giáo viên cũng rất được quan tâm.

Lương giáo viên cao

Giáo dục Luxembourg là một trong những hệ thống thành công trên thế giới vì nhiều lý do. Với giáo viên được trả lương cao và chương trình giáo dục song ngữ, học sinh nước này có nhiều cơ hội được trải nghiệm và thành công.

Theo báo cáo mới nhất về lương giáo viên trên thế giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, Luxembourg là quốc gia trả lương giáo viên cao nhất. Định nghĩa lương của giáo viên là tổng tiền lương trung bình theo thang lương chính thức, trước khi trừ thuế.

Cụ thể, giáo viên tiểu học có 15 năm kinh nghiệm ở Luxembourg được trả lương trung bình 101 nghìn USD mỗi năm. Lương của giáo viên có bằng cử nhân mới đi làm trung bình 70 nghìn USD mỗi năm. Mức lương dự kiến sẽ tăng lần lượt 21 nghìn và 31 nghìn USD sau 10, 15 năm.

Mức lương cao nhất mà giáo viên Luxembourg có thể nhận là 125 nghìn USD, sau 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tương đương mức tăng 55 nghìn USD so với mức lương khởi điểm. Giáo viên sở hữu bằng thạc sĩ có thể nhận mức lương cao hơn.

Theo các chuyên gia Luxembourg phân tích, xu hướng tăng lương dựa trên trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc cho thấy nước này có cơ chế đãi ngộ tốt với nhân tài trong ngành Giáo dục. Việc tăng lương không chỉ tạo động lực để thầy, cô giáo phấn đấu, mà còn giúp nâng cao chất lượng đào tạo tổng thể của đất nước.

Hai quốc gia châu Á lọt vào danh sách của OECD là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, giáo viên tiểu học ở Hàn Quốc có mức lương trung bình là 60.200 USD, còn ở Nhật Bản là 49 nghìn USD. Mức lương của giáo viên hai nước này tương đối cao một phần do truyền thống “tôn sư trọng đạo” sâu sắc trong văn hóa đất nước khiến giáo viên được coi trọng và đãi ngộ phù hợp.

Còn tại Phần Lan, “tin tưởng” là từ khóa để thu hút giáo viên và cũng thể hiện mức độ trọng dụng của nhà tuyển dụng. Trong trường học không có thanh tra hay giám sát viên.

Dù phải tuân theo chương trình giảng dạy cốt lõi là lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên Phần Lan có quyền tự chủ biên soạn giáo án, thời khóa biểu linh hoat. Giáo viên có nhiều thời gian nghỉ ngơi, ngày nghỉ phép hoặc chế độ lương hưu, thai sản đều được đảm bảo đầy đủ và ở mức cao. Điều này giúp giáo viên tự tin và yên tâm công tác.

Nhiều địa phương tại Trung Quốc đưa ra mức lương cạnh tranh để thu hút giáo viên.

Nhiều địa phương tại Trung Quốc đưa ra mức lương cạnh tranh để thu hút giáo viên.

Thu hút nhân tài

Tại châu Á, Singapore nổi tiếng là một trong những quốc gia sở hữu nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và tốt nhất thế giới. Ngành Giáo dục nước này được bồi đắp từ đội ngũ giáo viên chất lượng cao. Ít ai biết sau khi giành độc lập năm 1965, Singapore là quốc gia nghèo khó, thiếu tài nguyên và nhân lực. Chính phủ và Bộ Giáo dục phải sử dụng nhiều chính sách chiêu mộ và đối đãi người tài để họ yên tâm cống hiến cho ngành.

Singapore thu hút giáo viên theo đuổi ngành từ rất sớm. Chỉ những học sinh THPT xuất sắc nhất mới đủ điều kiện thi sư phạm. Nước này chỉ có một cơ sở đào tạo giáo viên là Viện Giáo dục quốc gia (NIE), nằm trong Trường Đại học Công nghệ Nanyang, một trong những đại học hàng đầu cả nước. Sau khi hoàn thành chương trình học tại NIE, sinh viên sẽ làm bài kiểm tra cấp chứng chỉ sư phạm trước khi tìm việc làm.

Chương trình học tại NIE kéo dài 2 - 4 năm, tùy thuộc vào trình độ của sinh viên. Sinh viên đi học đã được phụ cấp bằng 60% lương khởi điểm của giáo viên và phải cam kết sau khi ra trường sẽ giảng dạy ít nhất 3 năm. Mỗi năm, Bộ Giáo dục sẽ cân nhắc và điều chỉnh mức lương khởi điểm của giáo viên để đảm bảo công việc này luôn hấp dẫn với sinh viên mới ra trường. Lương giáo viên có thể không tăng nhanh như một số ngành nghề khác nhưng người lao động luôn được đào tạo, trau dồi nâng cao tay nghề.

Sau 3 năm giảng dạy, giáo viên sẽ làm bài kiểm tra đánh giá năng lực để chọn một trong ba định hướng gồm: Trở thành giáo viên có trình độ thạc sĩ; chuyên gia giáo dục hoặc nghiên cứu giáo dục và cán bộ quản lý trường học. Mức lương của họ cũng tăng theo hướng đi đã chọn. Những giáo viên có năng lực và mong muốn làm quản lý sẽ được tạo điều kiện được đào tạo cho vị trí lãnh đạo. Giáo viên muốn phát huy vai trò giảng dạy sẽ được tập huấn... Nhìn chung dù lựa chọn hướng đi nào, giáo viên cũng sẽ được tăng lương, tăng đãi ngộ và bồi dưỡng phù hợp.

Là quốc gia coi trọng giáo dục, Trung Quốc đầu tư rất nhiều tiền bạc và các chính sách để thu hút và tuyển dụng nhân tài. Giữa các địa phương cũng tung ra nhiều ưu đãi khác nhau để thu hút người học sư phạm và giáo viên “đầu quân” cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

Năm 2019, truyền thông Trung Quốc từng xôn xao trước thông tin tuyển dụng giáo viên của Phòng Giáo dục quận Longhua (Thâm Quyến, Quảng Đông). Theo đó, chính quyền có nhu cầu tuyển dụng 400 giáo viên các cấp tiểu học, THCS và THPT. Ngoài mức lương hàng năm dao động từ 260 – 280 nghìn nhân dân tệ, giáo viên còn được thưởng từ 30 – 80 nghìn nhân dân tệ. Giáo viên cũng được nghỉ 165 ngày mỗi năm, không rõ có tính các ngày nghỉ cuối tuần hay không.

Nhiều người ca ngợi chính sách của địa phương trong việc cố gắng thu hút và tuyển dụng nhân tài cho ngành Giáo dục. Tuy nhiên, Longhua không phải địa phương có chính sách đãi ngộ tốt nhất cho giáo viên. Trước đó, quận Yantian (Thâm Quyến, Quảng Đông) cũng thông báo tuyển dụng 20 giáo viên tốt nghiệp cử nhân từ Bắc Kinh với mức lương từ 290 – 330 nghìn nhân dân tệ một năm.

Sở dĩ Thâm Quyến phải tăng tốc đầu tư cho giáo dục là vì thành phố này đã phát triển từ một làng chài nhỏ thành đô thị rộng lớn, kiểu mẫu của Trung Quốc. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục không theo kịp tốc độ phát triển của địa phương. Việc tuyển dụng giáo viên cũng đối mặt với cạnh tranh từ những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.

Tương tự Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan hay Hồng Kông cũng kiểm soát số lượng và chất lượng đầu vào ngành sư phạm rất chặt chẽ. Nếu Singapore chọn thí sinh ngành sư phạm từ 1/3 học sinh giỏi nhất thì Hàn Quốc chọn từ 5% học sinh xuất sắc nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ