Thu hút, trọng dụng nhân tài: Than hồng nhen thành ngọn lửa

GD&TĐ - Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài là khuyến khích và phát hiện, tiến cử người tài.

Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng trao học bổng Truyền cảm hứng cho sinh viên.
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng trao học bổng Truyền cảm hứng cho sinh viên.

Do đó, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ, ngành Giáo dục nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác này.

Chiến lược săn người tài

Từ năm 2019, hai trường THPT chuyên của Quảng Nam bắt đầu tiếp nhận những giáo viên được đặc cách tuyển dụng theo Nghị định 140 của Chính phủ về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: “Hội đồng sư phạm nhà trường luôn theo dõi, động viên những học sinh giỏi có nguyện vọng theo nghề giáo. Tuy nhiên, với học sinh giỏi các môn thuộc khối Khoa học tự nhiên thường có xu hướng chọn theo ngành kinh tế và kỹ thuật. Mỗi khóa, nhà trường có khoảng 10 - 15 học sinh lựa chọn theo ngành sư phạm”.

Quảng Nam - một trong số ít địa phương trên cả nước có hai trường chuyên ở bậc THPT gồm Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông. Có hai trường THPT chuyên, đồng nghĩa số lượng học trò giỏi có cơ hội học trường chuyên tăng gấp đôi khi hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh mỗi trường là 280 em với 9 môn chuyên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hai ngôi trường đến nay được đầu tư bài bản, khang trang bậc nhất tỉnh.

Điều này thu hút học sinh là con em nông dân, khu vực nông thôn vào học trường THPT chuyên khá lớn. Thống kê tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thấy, những năm gần đây, con em nông dân, khu vực nông thôn chiếm đến hơn 61%.

Trong số 8 sinh viên được đặc cách tuyển dụng vào năm 2021 theo diện thu hút nhân tài của ngành GD&ĐT Quảng Nam, có đến 4 em đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị và Quảng Bình. Đây là những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của các Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Sở GD&ĐT Quảng Nam đã tìm đến các trường đại học sư phạm trên cả nước, xin danh sách sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó, đại diện Sở GD&ĐT gọi điện thoại cho từng sinh viên để mời về Quảng Nam công tác.

Khi còn là sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế, biết được thông tin tuyển dụng của Sở GD&ĐT Quảng Nam, Lê Bá Lân nộp hồ sơ ứng tuyển và được bổ nhiệm về dạy học tại Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (TP Hội An, Quảng Nam). Vốn là học sinh chuyên Lý của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), lại được tuyển dụng ngay sau khi ra trường, bố trí dạy học tại một trường chuyên, theo thầy giáo Lê Bá Lân, là niềm hạnh phúc không dễ gì có được.

Cô Trần Thị Phương Thảo – giáo viên Toán của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được đặc cách tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài của Nghị định 140 cho biết: “Mình là học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ, Quảng Nam), không tham gia thi học sinh giỏi các cấp. Nhưng lên đại học, mình có 2 năm liền tham gia thi Olympic Toán toàn quốc của sinh viên và đều đạt giải.

Cùng với kết quả tốt nghiệp loại xuất sắc, đây là một trong những thuận lợi để mình nộp hồ sơ ứng tuyển theo chính sách thu hút của ngành Giáo dục”. Học đại học ngay tại quê nhà, Trường ĐH Quảng Nam, việc Trần Thị Phương Thảo được đặc cách tuyển dụng với kết quả học tập xuất sắc đã và đang lan tỏa động lực phấn đấu, nỗ lực học tập cho nhiều học sinh.

Ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam trao quyết định cho những giáo viên trúng tuyển qua xét tuyển theo Nghị định 140, năm 2022.

Ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam trao quyết định cho những giáo viên trúng tuyển qua xét tuyển theo Nghị định 140, năm 2022.

Đào tạo và nuôi dưỡng đam mê

Thầy Ngô Ngọc Thủy – cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) có công trong phát hiện và bồi dưỡng nhiều học sinh Đà Nẵng đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Theo thầy Thủy, để có thể phát hiện đúng những học sinh có đủ tư chất vào đội tuyển quốc gia, là công việc đòi hỏi tính quyết đoán, nhạy bén của người thầy.

“Trong năm học lớp 10, phải hình thành được nhóm học sinh này; nếu chọn sai người thì mình khổ một, học trò khổ mười”, thầy Thuỷ tâm sự. Rồi phải làm sao cân bằng được lượng kiến thức để những học sinh đại trà trong lớp có thể “nuốt trôi” nhưng nhóm học sinh thuộc đội tuyển vẫn đủ tầm để thi đấu.

“Khi đã nhắm được những học sinh sẽ nằm trong đội tuyển bồi dưỡng, thì phải tạo cơ hội cho các em thể hiện trước lớp. Làm được điều đó, các em sẽ xác định được động cơ và niềm tin để phấn đấu. Học sinh giỏi hầu hết đều cá tính, thế nên muốn thành công, người thầy phải có được sự nể trọng của học sinh, như vậy các em mới có sức bật” – thầy Thủy chia sẻ kinh nghiệm.

Quản học sinh nhưng không được ép bởi ở tuổi này, các em thường có nhiều mối bận tâm. Nếu mình hời hợt thì chắc chắn sẽ nhận lại ở học trò sự đối xử tương tự. Công việc của một giáo viên phụ trách đội tuyển, vì vậy, không đơn thuần chỉ là truyền đạt kiến thức mà cả kỹ năng sống cho học sinh, kịp thời phát hiện những chuyển biến dù là nhỏ nhất trong suy nghĩ, tình cảm của các em để có những điều chỉnh kịp thời.

Để thu hút học sinh giỏi THPT theo học các ngành sư phạm ít có ưu thế cạnh tranh với những ngành học hot khác theo quan niệm của thị trường lao động năm 2021, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã thành lập quỹ học bổng Truyền cảm hứng. Học bổng hướng đến những học sinh phổ thông Việt Nam và lưu học sinh đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào các ngành Sư phạm Tin học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Công nghệ của nhà trường.

Theo đó, sinh viên các ngành học trên được Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng xét trao học bổng toàn phần với mức 120 triệu đồng; được chia thành 3 triệu đồng/tháng trong năm học đầu tiên (10 tháng/năm). Từ năm thứ 2, sinh viên cần duy trì kết quả học tập để tiếp tục được nhận học bổng theo các mức: Loại Khá được nhận học bổng toàn phần với mức như năm đầu (3 triệu đồng/tháng); loại Trung bình nhận học bổng bán phần; loại Yếu trở xuống không được tiếp tục nhận học bổng. Sinh viên nhận học bổng Truyền cảm hứng vẫn được nhận chế độ chính sách và các học bổng khác theo quy định của Nhà nước.

Nguyễn Việt Hà – sinh viên năm thứ hai, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Học bổng Truyền cảm hứng đã giúp em vững tin về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Trong lớp em, không có mấy bạn chọn theo học ngành sư phạm. Nhưng niềm yêu thích với nghề dạy học, cộng thêm các thông tin về chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên sư phạm, đặc biệt là Quỹ học bổng Truyền cảm hứng, càng giúp em củng cố thêm quyết tâm học tập để sau này trở thành một giáo viên truyền cảm hứng”.

Ông Hà Thanh Quốc, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam từng chia sẻ, bản thân rất xúc động trước những học sinh có học lực giỏi ở phổ thông quyết định chọn con đường sư phạm. Bởi trước đó, chắc chắn các em đã phải vượt qua không ít áp lực từ gia đình, khi mà phần lớn bạn bè học giỏi chọn ngành khác để lập thân, lập nghiệp thì mình lại chọn theo nghề dạy học nhiều khó khăn, áp lực, thu nhập thấp. Vì vậy, những sinh viên được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Quảng Nam đều được phân công công tác tại các trường chuyên, trường trung tâm để phát huy năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ