Th.s Trần Trung Hiếu: “Nhiều báo giật tít làm người đọc hiểu sai bản chất, mục đích bài viết của tôi”

GD&TĐ - Trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đăng tải bức thư của Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An góp ý về chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc thí điểm chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động. Phản ánh với báo Giáo dục & Thời đại, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng cách giật tít, trích dẫn của một số cơ quan báo chí như vậy dễ làm cho nhiều người hiểu sai nội dung, bản chất và mục đích bài viết của tác giả.

Th.s Trần Trung Hiếu: “Nhiều báo giật tít làm người đọc hiểu sai bản chất, mục đích bài viết của tôi”

• Bỏ biên chế sẽ giữ chân được các giáo viên giỏi

• Triệt tiêu tư tưởng an phận, “công thần”

Theo thầy Hiếu, bản chất các ý kiến trong bài tâm thư là phân tích, kiến giải các vấn đề liên quan đến việc bỏ biên chế trên tinh thần thiện chí, đầy tâm huyết và trách nhiệm của người trong cuộc, trong ngành với Bộ GD&ĐT. Hơn nữa, là một viên chức có trách nhiệm và sự tự trọng cao, thầy Hiếu luôn đồng thuận với các chủ trương của ngành Giáo dục. Trao đổi với PV Báo Giáo dục & Thời Đại, thầy Trần Trung Hiếu cho biết:

- Tôi đánh giá cao cuộc phỏng vấn này vì đối với tôi, Báo Giáo dục & Thời đại là cơ quan phát ngôn chính thống của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Với góc độ của 1 giáo viên phổ thông, Báo thực sự là diễn đàn của hơn 1 triệu nhà giáo chúng tôi. Riêng bản thân, tôi khẳng định quan điểm của cá nhân tôi là luôn ủng hộ Nghị quyết 29 của BCHTW Đảng về “đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục”. Bỏ biên chế giáo viên là một cách làm rất táo bạo mang tính đột phá, tuy nhiên khi triển khai phải làm thí điểm với sự cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng cao. Dù chưa triển khai nhưng ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu vấn đề này đã tạo nên sự đặc biệt chú ý, quan tâm của dư luận xã hội với nhiều ý kiến khác nhau, đây cũng là điều bình thường và dễ hiểu. Điều quan trọng, tôi tin là Bộ GD&ĐT luôn đón nhận sự góp ý, phản biện, phân tích, mổ xẻ của đội ngũ giáo viên tâm huyết trong ngành và dư luận xã hội.

Thầy thấy những điểm tích cực của chủ trương này là gì? Làm sao để nhân rộng tính tích cực này trong tình hình thực tế ?

Th.s Trần Trung Hiếu: “Nhiều báo giật tít làm người đọc hiểu sai bản chất, mục đích bài viết của tôi” ảnh 1Thầy Trần Trung Hiếu
 

Thầy Trần Trung Hiếu: Theo quan điểm của tôi, nếu bỏ biên chế sẽ có hai tác dụng cơ bản:

Thứ nhất, xét về phương diện cán bộ quản lý, bỏ biên chế sẽ giúp họ có quyền tự chủ về mặt nhân sự, thêm quyền lựa chọn và “thanh lọc” đội ngũ giáo viên, thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi, có năng lực và phẩm chất đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong tình hình mới.

Thứ hai, đối với giáo viên. Bỏ biên chế sẽ triệt tiêu tư tưởng an phận trong một bộ phận giáo viên và tạo cơ hội thể hiện phẩm chất và năng lực cho các giáo viên trong diện hợp đồng lâu năm và cũng tạo cơ hội cho nhiều sinh viên mới ra trường có thêm sự lựa chọn môi trường, cơ quan công tác theo khả năng của mình.

Tuy nhiên, chủ trương này nếu triển khai sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn trong tình hình mới ngay tại các nhà trường. Nếu triển khai không khoa học, thiếu công bằng sẽ tạo ra sự không ổn định về tư tưởng, tâm lý, tình cảm của đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, tôi tin rằng Bộ GD&DT cùng các cơ quan chức năng sẽ sớm giải được bài toán lớn này.

Vậy quan điểm của thầy là đồng thuận với chủ trương của Bộ GD&ĐT, thầy có ý kiến gì về việc những ngày qua một số tờ báo khi sử dụng tâm thư của thầy có rút tít với nội dung "nên giảm biên chế trước với lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo”?

Thầy Trần Trung Hiếu:Trong mấy ngày gần đây, một số tờ báo điện tử khi đăng nhiều bài phản ánh về vấn đề này, trong đó có nêu ý kiến của cá nhân tôi. Tôi thấy rằng, việc giật tít như vậy dễ làm cho nhiều người hiểu sai nội dung, bản chất và mục đích bài viết trong tâm thư của tôi. Bản chất các ý kiến trong bài tâm thư của tôi là phân tích, kiến giải vấn đề liên quan tới việc bỏ biên chế trên tinh thần thiện chí, đầy tâm huyết và trách nhiệm của người trong cuộc, trong ngành với Bộ GD&ĐT.

Tôi cho rằng chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong việc thí điểm triển khai cần một quá trình với nhiều công đoạn. Không phải ai cũng hiểu tính chiến lược của vấn đề này cũng như những hiệu quả chính tri, kinh tế, xã hội mang lại. Vì vậy, tôi mong lãnh đạo Bộ và các cơ quan truyền thông của ngành nên có sự giải thích rõ ràng hơn vấn đề này trước dư luận và đội ngũ giáo viên. Đây sẽ là bước quan trọng để tạo sự đồng thuận.

- Có một số nhận xét cho rằng, giáo viên khi đã vào biên chế sẽ bằng lòng với sự ổn định, thiếu đi ý chí tự phấn đấu học hỏi nâng cao trình độ, thiệt thòi chính là học sinh. Thầy nghĩ sao về nhận xét này? Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, thầy có gặp những giáo viên như thế?

Thầy Trần Trung Hiếu: Đây là một thực tế đáng băn khoăn mà chúng ta đang đối mặt, nhưng chưa có nhiều giải pháp kèm theo chế tài để khắc phục tình trạng này. Đúng là có một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được nhiệm vụ về mặt năng lực nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, những tác động tiêu cực trong đời sống xã hội mà họ vẫn công tác, vẫn hưởng lương đầy đủ bởi cái mác “biên chế”, bởi cái vỏ “con ông này, cháu bà kia” mà vẫn được yên vị tại các nhà trường. Thực trạng viên chức kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” này, tôi thiết nghĩ không chỉ có trong ngành giáo dục mà còn diễn ra ở nhiều ngành khác trong các cơ quan hành chính sự nghiệp mà chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị lãnh đạo khác đã trăn trở lên tiếng.

- Thực tế nhiều năm qua luôn có những luồng dư luận về việc thu nhập giáo viên thấp, đời sống giáo viên khó khăn nên thiếu động lực để gắn bó với nghề. Một trong những mục tiêu của việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động là để tạo động lực cho giáo viên bằng nâng cao thu nhập. Tuy nhiên khi đưa ra chủ trương thì một bộ phận giáo viên lại chưa đồng tình, theo ông tại sao lại có sự mẫu thuẫn này?

Thầy Trần Trung Hiếu: Tôi xin khẳng định lại là trong lịch sử, không phải những cái mới ra đời bao giờ cũng được đón nhận một cách dễ dàng. Giáo dục cũng không phải là một ngoại lệ. Tâm lý chung hiện nay của một bộ phận giáo viên là băn khăn, lo lắng trước chủ trương này. Âu cũng là điều dễ hiểu. Cái mà giáo viên cần không chỉ là thu nhập, là tiền bạc. Họ muốn phát triển trên sự ổn định và dù chủ trương thế nào, có “thí điểm” hay không thì mong muốn cuối cùng vẫn là tính hiệu quả. Đối với nghề dạy học tuy nghèo nhưng những đồng nghiệp của tôi luôn đồng thuận với sự đổi mới, sáng tạo trong các chủ trương, chính sách. Ngoài ra, họ luôn trọng danh dự, muốn sự ổn định tư tưởng, tinh thần để an tâm dạy học, cống hiến và theo đuổi nghề mà mình đã lựa chọn.

- Làm thế nào để chủ trương nhanh chóng được thực hiện và tạo được sự đồng thuận trong xã hội ?

Thầy Trần Trung Hiếu: Đổi mới là tất yếu vì đó là quy luật tự nhiên của xã hội. Mọi chủ trương đổi mới mang tính đột phá đều phải nghiên cứu và triển khai thận trọng, đúng quy trình và có lộ trình. Cá nhân tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT muốn tạo sự đồng thuận cao trong nghành, trong xã hội cần thực hiện được mấy vấn đề:

Thứ nhất, Bộ GD&ĐT cần biết lắng nghe để khơi dậy, đánh thức khả năng, tiềm năng “hiến kế” từ dư luận, đội ngũ trong ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học bằng nhiều phương pháp để thu thập thông tin. Cách làm cần dân chủ, công khai và minh bạch.

Thứ hai, cần nghiên cứu, rà soát lại một số văn bản mang tính pháp quy của Nhà nước, quan trọng nhất là Luật Giáo dục và Luật Viên chức - lấy đó là cơ sở khoa học và pháp lý; cần có sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và sự giám sát của nhân dân cho việc triển khai chủ trương đó.

Thứ ba, nếu triển khai thí điểm phương án bỏ biên chế, nên tạo bình đẳng. Sự đổi mới của ngành giáo dục luôn được đặt trong công cuộc đổi mới chung của đất nước và có mối quan hệ tương tác, biện chứng với các Bộ, Ban, Ngành liên quan.

Thứ tư, về lộ trình : nếu thí điểm về không gian thì nên thí điểm ở một số thành phố lớn trước, các địa phương sau, thành thị trước, nông thôn đồng bằng, miền núi sau. Nếu có hiệu quả và tạo ra hiệu ứng tích cực, có sự tổng kết và rút kinh nghiệm, có sự đồng thuận của đội ngũ trong ngành mới triển khai đồng bộ, đồng loạt trên toàn quốc.

- Là người gắn bó với nghề, thầy có những suy nghĩ gì đối với quyết sách bỏ biên chế viên chức giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Thầy Trần Trung Hiếu: Là một giáo viên phổ thông luôn nặng lòng, trăn trở với nghề, với ngành, với Sử, tôi thấy mình có may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác vì được công tác, giảng dạy trong một ngôi trường nổi tiếng xứ Nghệ – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Tôi đã, luôn và sẽ cố gắng làm tốt thiên chức của mình trong khả năng có thể vì ngôi trường thân yêu của tôi, vì các thế hệ học trò và cũng vì sự nghiệp đổi mới của ngành giáo dục. Nếu tôi không đủ trình độ kiến thức và phương pháp giảng dạy, yếu kém về phẩm chất, đạo đức thì đương nhiên tôi cũng sẵn sàng chấp nhận sự “đào thải” một cách bình đẳng và sòng phẳng.

Là một viên chức trong ngành, tôi luôn đồng tâm, đồng thuận, đồng hành với những quyết sách đúng đắn của Bộ GD&ĐT và luôn có những ý kiến góp ý, phản biện công khai với tinh thần thiện chí, với ý thức xây dựng với ngành.

Tôi mong những người có trách nhiệm cao nhất của Bộ GD&ĐT cùng tôn trọng những quan điểm phản biện của nhiều đồng nghiệp, chuyên gia để chung tay, chung sức, chung lòng trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Ngoài những ý kiến đồng thuận, tôi muốn báo GD&TĐ cần tạo ra những diễn đàn đăng tải thêm các ý kiến góp ý và phản biện từ các nhà giáo tâm huyết đã và đang công tác ở cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Chỉ có người trong ngành mới thật thấu hiểu sâu sắc nhất tâm tư, nguyện vọng, lòng tin của đội ngũ nhà giáo.

Tôi tin, nếu mọi ý tưởng, chủ trương của Bộ GD&ĐT đều xuất phát từ thực tiễn, đều có sự tham vấn dân chủ, minh bạch và sâu rộng trong dự luận xã hội, của giáo viên, phụ huynh, học sinh thì khi triển khai các quyết sách đúng đắn mang tính đột phá sẽ thành công.

- Xin cảm ơn thầy giáo Trần Trung Hiếu!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ