Xác định đúng trọng tâm
Là người đứng đầu một trường tiểu học nhiều năm truyền thống dạy tốt – học tốt, cô Nguyễn Thị Thúy Minh nhận định: Mục đích của Thông tư 30 là không xếp loại học sinh, không so sánh các học sinh với nhau mà chỉ tìm ra điểm tốt và chưa tốt để nhận xét và học sinh lấy đó làm trọng tâm phấn đấu hoàn thiện bản thân.
Việc chấm điểm bài kiểm tra cuối kỳ chỉ là để học sinh biết điểm số của mình nhưng không dựa vào đó để xếp loại học sinh.
Tuy không khí ganh đua không được sôi nổi như những con số cụ thể nhưng thực tế, học sinh lại tích cực phấn đấu vì những lời động viên, góp ý đầy tình cảm và trách nhiệm của thầy cô.
Cho đến nay, việc thực hiện Thông tư 30 tại Trường Tiểu học Chu Văn An đã ổn định. Ban Giám hiệu cũng đã tìm ra phương pháp phù hợp nhất để hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, hướng đến chất lượng và đúng tinh thần chỉ đạo, tránh hình thức.
Đánh giá học sinh theo hướng dẫn mới, đối với giáo viên cơ bản phụ trách lớp khoảng 50 học sinh là công việc hết sức đơn giản, bình thường.
Công việc của giáo viên cũng chỉ tăng hơn chút ít so với phương thức đánh giá bằng điểm số. Giáo viên có quá nhiều vấn đề để có thể nhận xét về học sinh của mình.
Cô Minh rất tâm đắc cho rằng: “Thông tư 30 sẽ góp phần loại bỏ dần dần “bệnh lười” của một bộ phận giáo viên”
Cùng tìm phương án gỡ khó
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai Thông tư 30 tại cơ sở, cô Minh chia sẻ: Ban đầu, khi tiếp nhận hướng dẫn mới về đánh giá học sinh, một số giáo viên cũng đồng thanh “than khó”, đặc biệt đối với giáo viên chuyên, khi họ phụ trách hàng chục lớp của trường với lượng học sinh lên tới hàng nghìn em.
Trước thực trạng đó, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức các buổi họp bàn, lấy ý kiến và tập hợp sáng kiến của giáo viên trong trường để cùng nhau gỡ khó. Giáo viên chuyên của Trường Tiểu học Chu Văn An hiện nay vận hành công việc đánh giá học sinh theo barem: “Nhận xét theo tháng, chỉ với 1 quyển sổ cho tất cả”.
Ví dụ, tháng 9, cô dạy môn chuyên cho 15 lớp thì được phát 1 quyển sổ nhận xét theo đúng quy cách gồm 15 tờ, mỗi tờ đều đủ danh sách cả lớp, đến hết năm sẽ gỡ các tờ từ các tháng đóng thành Sổ theo dõi của đơn vị lớp.
Các giáo viên sẽ nhận xét học sinh trên cơ sở phân chia nhóm ngẫu nhiên để tránh trùng lặp. Mỗi nhóm học sinh có thể được nhận xét ở những bài học khác nhau trong cùng tháng, đảm bảo kiến thức bao quát và giá trị những lời phê của giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Thúy Minh phấn khởi cho biết: Sau thời gian thực hiện, hoạt động đánh giá học sinh theo tinh thần Thông tư 30 tại trường chúng tôi đã đi vào ổn định và hầu hết giáo viên đã nắm vững và thực hiện tốt các hướng dẫn chung, đồng thời cùng với thời gian, những điều ban đầu tưởng chừng khó khăn đã trở thành niềm vui và trách nhiệm mỗi ngày đối với các giáo viên.
Qua kiểm tra, Ban Giám hiệu rất an tâm và phấn khởi vì chỉ sau một thời gian ngắn, với tinh thần sẵn sàng tiếp thu cái mới, nhiều nỗ lực và sáng kiến của tập thể, những “lời phê” – những điểm số bằng lời đã động viên tinh thần học tập của các con, giúp giáo viên – học sinh – phụ huynh gần nhau hơn qua những thông điệp chứa đựng tình cảm và trách nhiệm.
Để đôn đốc và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, Ban Giám hiệu cũng thường xuyên kiểm tra vở của học sinh theo hình thức chọn ngẫu nhiên để qua đó vừa nắm được tình hình học tập của học sinh vừa giám sát quá trình thực hiện hướng dẫn đánh giá mới của giáo viên.
Những cái “được” khi thực hiện đánh giá học sinh theo tinh thần Thông tư 30 thì đã rõ và dần dần đã được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, với vị trí một trường tiểu học nhiều năm liền có lượng lớn học sinh dự thi vào các trường THCS chuyên của Hà Nội, việc đánh giá không điểm số sẽ trở thành bất cập khi Hà Nội vẫn tồn tại một số trường THCS xét đầu vào dựa trên điểm số và những tiêu chí cụ thể về quá trình học tiểu học của học sinh. Và đây cũng là băn khoăn của hầu hết phụ huynh, cô Nguyễn Thị Thúy Minh nhấn mạnh.