Triển khai thông tư 30: Cần vận dụng linh hoạt vào thực tế

GD&TĐ - Sau những bỡ ngỡ ban đầu, các giáo viên đã quen dần với việc đánh giá học sinh bằng những lời nhận xét thay vì cho điểm như trước kia.

Một tiết học của Trường Tiểu học Sơn Thủy
Một tiết học của Trường Tiểu học Sơn Thủy

Đó là nhận xét của Thầy Võ Đức Kế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) khi đánh giá về những kết quả bước đầu trong việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Vận dụng linh hoạt

Thầy Kế cho biết: Nhà trường đã tổ chức cho toàn thể đội ngũ giáo viên nghiên cứu quán triệt Thông tư 30, triển khai đến các cá nhân, các tổ chuyên môn và triển khai trong toàn trường nghiên cứu, trao đổi những thắc mắc.

Cùng với các chuyên viên của Sở GD&ĐT Quảng Bình, Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Sơn Thủy đã tổ chức nhiều buổi tập huấn việc thực hiện đánh giá Thông tư 30 đến các giáo viên. 

Hướng dẫn cách đánh giá nhận xét thường xuyên trên vở học sinh, đánh giá nhận xét tháng trên Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, hướng dẫn cách ghi nhận xét tháng, cách ghi học bạ...

Nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn sinh hoạt chuyên môn tập trung vào đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Giúp giáo viên hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của việc đổi mới đánh giá học sinh, về cách nhận biết các năng lực và phẩm chất của học sinh.

Các giáo viên được tập huấn về cách nhận xét, hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện phù hợp sát thực tế từng đối tượng học sinh của từng lớp, chống hiện tượng đối phó, rập khuôn theo mẫu. Ngoài ra nhà trường còn tập huấn cho giáo viên, tổ trưởng chuyên môn cách ra đề kiểm tra cuối học kì I, cuối năm học.

Ban Giám hiệu cùng giáo viên trải nghiệm qua thực tế dạy học trên lớp để chia sẻ về cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét học sinh trong quá trình dạy học thông qua dự giờ theo kế hoạch, dự giờ thao giảng để thống nhất cách vận dụng, triển khai cho phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp.

Đồng thời, nhà trường chú trọng tuyên truyền giải thích cho cha mẹ học sinh về quy định đánh giá học sinh tiểu học, hướng dẫn cha mẹ học sinh cách theo dõi, hỗ trợ học sinh học tập, tham gia đánh giá học sinh, phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Triển khai đồng bộ VNEN và Thông tư 30

Là năm học đầu tiên triển khai dạy học theo mô hình trường học mới, Trường tiểu học Sơn Thủy đã triển khai đồng bộ giữa đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN và đổi mới đánh giá theo Thông tư 30.

Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Theo đó, các giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là "viết" phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét học sinh hàng tháng.

Các giáo viên được yêu cầu tránh lạm dụng việc dùng các câu nhận xét theo mẫu vì không phù hợp với các học sinh khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau.

Ban giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn kiểm tra việc nhận xét trên vở học sinh, việc đánh giá nhận xét hàng tháng trên sổ theo dõi chất lượng học sinh để tư vấn, chia sẻ và hướng dẫn giáo viên thực hiện.

Sau hơn 1 tháng triển khai, các giáo viên đã có nhận thức đầy đủ, đúng đắn trong việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh theo phương pháp đánh giá mới, triển khai tích cực và cơ bản để thực hiện tốt theo mục đích yêu cầu của Thông tư 30.

Nhiều giáo viên đã có lời nhận xét cụ thể, rõ ràng, chỉ cho học sinh biết mình làm tốt phần nào, phần nào phải khắc phục. Những lời nhận xét thay vì điểm số đã giúp học sinh giảm bớt được áp lực trong học tập và các em đều rất hứng thú đến trường, say mê với những tiết học.

Tuy đã có những kết quả bước đầu nhưng theo thầy Kế, việc triển khai Thông tư 30 vẫn còn có những vướng mắc cần khắc phục. Vẫn còn giáo viên có lời nhận xét trùng lặp theo mẫu, nhận xét giống nhau ở một số học trong lớp và lời nhật xét chưa thật phù hợp.

Các giáo viên dạy chuyên biệt như Âm nhạc, Mĩ thuật... phải đánh giá nhiều lớp (20 lớp /1 giáo viên) nên cũng khá vất vả. Vẫn còn có phòng bàn ghế 3 chỗ ngồi, số lớp có sĩ số trên 30 em, phòng học diên tích chật nên triển khai dạy học theo mô hình VNEN không gian lớp học chật hẹp, giáo viên khó đi lại.

"Điều gì mới cũng cần thời gian để làm quen, thích nghi và chắc chắn sẽ có những khó khăn đòi hỏi người giáo viên phải vượt qua. Nhưng Thông tư 30 là một chủ trương đúng, đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. 

Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng phải thực hiện và sẽ thực hiện tốt, đó là lời hứa của tất cả các giáo viên trường tiểu học Sơn Thủy, Quảng Bình"- Thầy Kế khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ