Tự tin thực hiện thông tư 30 tại trường học mới VNEN

GD&TĐ - Thời gian thực hiện Thông tư 30 mới hơn 2 tháng nhưng không mấy xa lạ và bỡ ngỡ đối với các thầy cô giáo Trường Tiểu học Hoằng Quỳ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), bởi trước đó trường đã được thực hiện đánh giá học sinh (HS) theo mô hình VNEN.

Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 2B, Trường tiểu học Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đang nhận xét, đánh giá học sinh trong giờ học toán.
Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 2B, Trường tiểu học Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đang nhận xét, đánh giá học sinh trong giờ học toán.

Giám sát quá trình đánh giá học sinh

Sự đổi mới trong đánh giá, nhận xét HS theo Thông tư 30 với nhiều ưu điểm thuận lợi cho HS giúp HS phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất.

Theo thầy Nguyễn Trường Giang - Hiệu trưởng, nhà trường là một trong 4 trường thực hiện thí điểm mô hình trường học mới VNEN của huyện Hoằng Hóa. Nội dung Thông tư 30 gần giống với cách đánh giá HS theo hướng dẫn của văn bản 5737 về đánh giá HS VNEN. 

Vì vậy, giáo viên của trường đã rất tự tin khi thực hiện triển khai đánh giá, nhận xét HS theo Thông tư 30. Để thực hiện hiệu quả việc đánh giá nhận xét HS, giáo viên giữ vai trò rất quan trọng, sẽ là người tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến HS. 

Tuy nhiên, để thực hiện tốt phương pháp đánh giá mới này hiệu trưởng giữ vai trò quan trọng, là người quản lý, kiểm tra, giám sát việc đánh giá, nhận xét HS của giáo viên. Từ đó, đưa ra những phương pháp tối ưu trong đánh giá không qua điểm số.

Để việc đánh giá HS được chính xác, xuất phát từ tâm huyết của giáo viên. Nhưng hiệu trưởng cần phải thường xuyên kiểm tra bằng cách tăng cường dự giờ, kiểm tra việc nhận xét, đánh giá HS từ vở HS, sổ nhật ký học tập, tránh việc giáo viên nhận xét sơ sài, cứng nhắc, đối phó. 

Tại những buổi sinh hoạt chuyên môn, nhà trường thường xuyên đưa nội dung đánh giá, nhận xét HS vào sinh hoạt. Tại đây, các giáo viên trong trường thường xuyên được trao đổi những kinh nghiệm, trong việc nhận xét đánh giá HS trong quá trình dạy học. 

Từ đó, giáo viên sẽ rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, trình bày những sáng kiến bổ ích để việc đánh giá HS được linh hoạt, nhận xét đúng năng lực HS.

Thầy Giang cũng cho biết: Việc nhận xét đánh giá HS tưởng như đơn giản nhưng thực tế là vô cùng quan trọng. Bởi những lời nhận xét của cô giáo sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của các em, góp phần không nhỏ đến việc hình thành nhân cách cho HS, giúp các em phát triển toàn diện hơn. 

Vì vậy, khi mới thực hiện giáo viên cũng đã gặp không ít khó khăn vì việc lựa chọn ngôn ngữ để nhận xét từng HS. Tuy nhiên, việc thay đổi phương pháp dạy học mới theo Thông tư 30, giúp giáo viên đổi mới phương pháp kịp thời trong quá trình dạy học, tương đối toàn diện khi chuẩn về kiến thức kỹ năng, năng lực và phẩm chất học sinh. Đây là 3 nhân tố quyết định phẩm chất đạo đức HS.

Cần lắm sự tận tâm 

Thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh không qua điểm số là bước đổi mới đột phá xóa bỏ phương pháp truyền thống lấy điểm số làm cơ sở đánh giá HS. 

Việc không cho điểm số đã giảm bớt áp lực, gây tâm lý nặng nề cho HS. Đặc biệt, đối với HS tiểu học, bên cạnh phát triển năng lực, các em cần phát triển phẩm chất, kỹ năng để phát triển toàn diện hình thành nhân cách.

Cũng theo thầy Giang, việc thực hiện đánh giá, nhận xét theo Thông tư 30 có nhiều thuận lợi cho HS, nhưng giáo viên cũng vất vả hơn. Bởi giáo viên sẽ phải lựa chọn đánh giá, nhận xét sao cho HS nhận thức được cái sai, cái chưa tốt, đồng thời vừa khuyến khích các em cố gắng để tiến bộ hơn. 

Điều này đòi hỏi sự tận tâm, khéo léo, linh hoạt của các thầy cô giáo. Ngoài ra, các thầy cô giáo luôn phải học hỏi, trau dồi kiến thức ngôn ngữ và cần phải được tập huấn nhiều hơn nữa để có nhiều kinh nghiệm trong đánh giá, nhận xét HS.

Cô Nguyễn Thị Hường - Giáo viên chủ nhiệm lớp 2B - chia sẻ: Việc đánh giá, nhận xét HS không thể dập khuôn, qua loa được. Khác với những điểm số khô khan, cứng nhắc, những lời nhận xét của cô chính là cơ sở để các em nhận thức được mức độ học tập của mình và còn giúp động viên các em cố gắng để phấn đấu. 

Giáo viên có thể gần gũi, sát sao đến từng HS, nắm bắt được đặc điểm, năng lực của từng em, từ đó có những nhận xét cụ thể, chính xác. 

Ngoài ra, giáo viên cần phải dành nhiều thời gian để đánh giá, vừa đánh giá trực tiếp bằng lời, đánh giá vào vở HS vừa đánh giá, nhận xét vào sổ nhật ký hàng ngày. 

Vì vậy, khó khăn đối với giáo viên là việc lựa chọn ngôn ngữ để đánh giá, nhận xét cho từng HS. Đối với giáo viên dạy môn đặc thù, cô Nguyễn Thị Hương - Giáo viên thể dục - chia sẻ: Toàn trường có 381 HS, cô phải nhận xét, đánh giá tất cả HS. Để nhận xét đúng năng lực từng HS, tránh lặp lại trong đánh giá, nhận xét sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải lựa chọn ngôn ngữ để đánh giá.

Ba lực lượng tham gia đánh giá, nhận xét HS là giáo viên, HS và phụ huynh. Đây là điểm thuận lợi để giúp các em phát triển tốt hơn, toàn diện hơn.  

Tuy nhiên, thời gian thực hiện chưa dài nên trong nhận thức của nhiều phụ huynh vẫn chưa quen với cách đánh giá mới này. Mặt khác, HS Trường Tiểu học Hoằng Quỳ chủ yếu là vùng nông thôn, nhiều phụ huynh nhận thức còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến HS. 

Trước kia, phụ huynh thường đánh giá học lực, theo dõi việc học tập của con em mình qua điểm số. Với phương pháp đánh giá mới này đòi hỏi phụ huynh phải luôn quan tâm, trao đổi, kiểm tra quá trình học tập của HS, cùng nhà trường giáo dục các em, xóa bỏ tâm lý ỷ lại, phó mặc cho nhà trường. 

Để HS phát triển toàn diện cần sự quan tâm của cả nhà trường và gia đình. Giáo viên phải tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh để phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia đánh giá, nhận xét HS.

Cũng theo cô Hường, qua thời gian thực hiện theo thông tư 30, học sinh đã quen và hứng thú khi được cô giáo nhận xét, đánh giá, tuyên dương trước lớp. 

Tuy nhiên, để có thêm nhiều kinh nghiệm về phương pháp đánh giá, nhận xét HS, giáo viên cần được tham gia nhiều hơn nữa các lớp tập huấn nâng cao năng lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.