Thông thoáng, an toàn đường đến trường thi

Thông thoáng, an toàn đường đến trường thi

(GD&TĐ) - Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho các thí sinh và nhu cầu đi lại của nhân dân trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2013, hiện các cấp, ngành trong cả nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp, góp phần cho kỳ thi diễn ra an toàn. Đó cũng là vấn đề trọng tâm mà ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) – trao đổi với phóng viên báo GD&TĐ trong buổi làm việc mới đây.

Để chuẩn bị cho sự gia tăng đột biến về nhu cầu đi lại của hàng vạn thí sinh cũng như người nhà trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, UBATGTQG và các bộ, ngành liên quan đã có những biện pháp gì để bảo đảm an toàn cho sự đi lại của thí sinh cũng như người dân trong dịp này, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp

- Cái chuyển động đầu tiên cũng là từ Bộ GD&ĐT, kết hợp với Đoàn Thanh niên và UBATGTQG tổ chức lực lượng thanh niên tình nguyện, với thành phần chính là các em sinh viên. Từ hàng chục năm nay, lực lượng này đã hoạt động rất có hiệu quả và đóng góp quan trọng vào mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong đó ngoài chuyện hỗ trợ hướng dẫn các thí sinh, cung cấp các thông tin còn có tham gia đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, hướng dẫn hỗ trợ các bạn đi lại trong thành phố. Năm nay riêng Hà Nội đã có trên 10.000 thanh niên tình nguyện để tham gia chiến dịch hỗ trợ kì thi.

Để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông đột biến trong những ngày này, chúng tôi đã có tham mưu với Bộ GTVT chỉ đạo các bến xe, các doanh nghiệp vận tải tăng chuyến, đảm bảo không tăng giá bất hợp lí, cung cấp các phương tiện tốt nhất, an toàn nhất cho các thí sinh đi thi. Ngành đường sắt cũng đã có kế hoạch tăng chuyến tàu, giảm 10% giá vé cho thí sinh đi thi. Tất cả đều được chỉ đạo rất rõ ràng, cụ thể và đang được triển khai trên thực tế.

Vấn đề ở chỗ phương tiện vận chuyển chúng ta không thiếu, nhưng tình trạng nhồi nhét, đón trả khách không đúng nơi quy định, tranh giành khách, làm giá và tăng giá vé thì vẫn diễn ra. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu để “thêm” chuyến, từ đó gây nguy cơ cao về an toàn giao thông. UBATGTQG có những biện pháp gì để giảm thiểu các vấn nạn đó, bảo đảm TTATGT trong các dịp này, thưa ông?

- Đó là thực tế về tình hình giao thông nước ta hiện nay và đặc biệt nghiêm trọng trong các dịp lễ lớn, kỳ thi tuyển sinh như chúng ta đang đề cập. Chính vì nhu cầu vận chuyển tăng lên kèm theo câu chuyện chở quá số người quy định, tâm lý lái xe khi đó là chạy thật nhanh để tăng chuyến. Đây là cơ hội để kinh doanh nên dẫn đến chuyện không an toàn. Chúng ta vẫn còn nhớ chỉ cách đây 3 tuần, đã có những vụ tai nạn xe khách thảm thương trong vòng 3 ngày. Vừa rồi, ngay trong kì thi tốt nghiệp THPT cũng có 6 HS bỏ thi do tai nạn giao thông khi đến điểm thi (toàn do xe máy). Nhưng sẽ trở nên rất nghiêm trọng nếu xe khách chở thí sinh đi thi đại học gây tai nạn và nó sẽ có tác động xã hội rất ghê gớm.

Chính vì vậy, UBATGTQG đã phối hợp với Bộ GTVT trong chỉ đạo năm nay, ngoài yêu cầu tăng chuyến, giảm giá vé tàu, đảm bảo thiết bị an toàn, không bắt khách, không tăng giá bất hợp lí...; chúng tôi cũng tham mưu các bộ, ban ngành liên quan tăng cường chỉ đạo kiểm tra phương tiện xuất bến, điều kiện an toàn khi xuất bến. Vấn đề này năm nay sẽ làm rất nghiêm ngặt. Bộ Công an cũng có kế hoạch tăng cường kiểm tra kiểm soát và hướng dẫn giao thông riêng cho kì thi đại học, đặc biệt tăng cường đối với xe khách. Nói cách khác, đến giờ này, công tác chuẩn bị của các cơ quan chức năng, với đúng nghĩa là phục vụ cho các thí sinh đi dự thi, đã sẵn sàng với những điều kiện tốt nhất có thể.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Khánh Sơn - Việt Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.