Thống nhất về tuyển dụng và sử dụng

GD&TĐ - Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Nhà giáo là thẩm quyền tuyển dụng và sử dụng nhà giáo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học ban hành. Còn với các cơ sở giáo dục công lập khác, việc tuyển dụng nhà giáo sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm.

Thực tế, nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Một trong những đặc trưng đó là nghề dạy học gắn liền với “dạy người”, với nhiệm vụ cao cả nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đây là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay.

Lâu nay, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn, trăn trở khi chứng kiến nghịch lý: Kỳ vọng và áp lực xã hội với ngành Giáo dục rất lớn nhưng ngành này lại “Không quyền và không tiền”. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, yếu tố quan trọng nhất là con người và tài chính, thế nhưng ngành Giáo dục đều không có quyền quyết định hai yếu tố này. Nhiều người đã nhận ra, có những thứ “tưởng thế nhưng không phải thế” và không khỏi chua xót khi thấy ngành Giáo dục rơi vào tình cảnh “quyền rơm vạ đá”.

Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên đứng lớp là yêu cầu đặt ra với ngành Giáo dục. Thế nhưng, bất cập ở chỗ, ngành Giáo dục không được tham gia sâu vào quá trình tuyển dụng, điều tiết giáo viên. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Hiện, biên chế sự nghiệp giáo dục được áp dụng theo mô hình: Bộ GD&ĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc; Bộ Nội vụ giao, duyệt biên chế; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo viên. Có thể nói, quy định về tuyển dụng viên chức nói chung chưa phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Từ thực tiễn khách quan, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất, bổ sung quy định về việc điều động, thuyên chuyển và phân công nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục. Đồng thời, giao thẩm quyền cho các cơ quan quản lý giáo dục thực hiện việc điều động, thuyên chuyển, biệt phái và phân công nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục. Quy định này nhằm kịp thời xử lý các tình huống trong công tác sử dụng và đảm bảo nguyên tắc đặc thù đối với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo và các yêu cầu triển khai chương trình giáo dục.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các nguyên tắc quản lý Nhà nước về nhà giáo để đảm bảo khắc phục những bất cập trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo trong thời gian qua, phù hợp đặc trưng riêng biệt trong hoạt động nghề nghiệp và phát huy được vị thế, vai trò nhà giáo.

Đề xuất trên bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ, tăng cường trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý giáo dục các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo theo thẩm quyền.

Đồng thời, đảm bảo vai trò chủ trì của Bộ Nội vụ trong việc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và phân bổ biên chế nhà giáo. Tăng cường phân cấp quản lý và bảo đảm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.