Thong dong chợ Tết miệt vườn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không chỉ giao thương, mua bán, chợ Tết miệt vườn sông nước còn gói trọn cả những háo hức chờ mong về một năm đủ đầy, trọn vẹn.

Khung cảnh chợ Tết trên chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ.
Khung cảnh chợ Tết trên chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ). Ảnh: Q. Ngữ.

Rộn ràng chợ quê

Từ trung tuần tháng Chạp là người dân miền Tây bận rộn để chuẩn bị “ăn Tết”. Chợ quê hay phố, chợ lớn hay nhỏ, không khí cũng luôn rộn ràng với nhiều sản vật. Trên khắp cung đường về miền Tây, không khó để bắt gặp chợ Tết, nổi bật với hoa xuân, các món thực phẩm.

Đi chợ quê ngày Tết, cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc xuân. Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi sắm, mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết.

Chợ Tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Bỏ qua những xô bồ thường ngày, chợ Tết mang không khí rộn ràng, đông vui, xôm tụ hơn. Người bán, người mua trao nhau nụ cười, lời chào niềm nở, khiến mọi người như xích lại gần nhau.

Chợ Tết bắt đầu họp từ ngày 23 âm lịch khi cúng ông Công ông Táo, kéo dài đến tận chiều 30 Tết nhưng nhộn nhịp nhất là từ ngày 28 Tết. Chợ bán theo nhu cầu mua sắm trong quan niệm của người phương Nam nên hầu hết hàng hóa đều có 2 màu chủ đạo được cho là may mắn là vàng và đỏ.

Hoa nhiều nhất là cúc, vạn thọ, các loại trái cây như dưa hấu, quýt, bưởi, bánh mứt… Nổi bật nhất là chợ hoa, chợ trái cây “trên bến dưới thuyền” nhóm họp một lần vào khoảng thời gian hai tuần trước Tết.

Hoa quả đủ chủng loại từ các làng trồng hoa đua nhau về chợ Tết trên những chiếc ghe xuồng làm nên nét đặc trưng của chợ Tết quê, nơi “họp mặt” của những vật phẩm dân dã, cây nhà lá vườn.

Do hệ thống sông ngòi chằng chịt, chợ cũng được hình thành trên những con sông và người dân quen gọi là chợ nổi. Ngày thường, chợ nổi đã tấp nập, cận Tết, chợ lại càng sôi nổi, náo nhiệt hơn. Người mua, kẻ bán hối hả, tất bật làm sôi động cả một đoạn sông dài. Tất cả như khoác lên một diện mạo mới, tươi tắn, tràn đầy sức sống trên những con sông.

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng)… không khí mua bán rất sầm uất, không thua kém gì chợ trên đất liền. Từ Tết ông Công ông Táo, ghe xuồng từ miệt vườn các tỉnh kéo đến chợ với đầy trái cây đặc sản như chuối, bưởi, dưa hấu, xoài, dừa...

Một loại quả không thể thiếu trong những ngày Tết và được tiêu thụ mạnh nhất là dưa hấu. Theo tập tục, hàng năm mỗi nhà đều chọn cặp dưa to, cân đối, tròn trịa trưng trên bàn thờ tổ tiên và hầu như địa phương nào ở ĐBSCL cũng trồng được dưa hấu nên ở phiên chợ Tết trên sông các ghe dưa hấu vượt trội hơn hẳn.

Màu sắc tươi tắn rạng rỡ của các loại hoa cũng tô thêm sắc màu tươi sáng, đầy sức sống cho chợ Tết trên sông. Có nhiều loại hoa nhưng chủ yếu là mai vàng và hoa cúc. Sắc vàng trở thành gam màu chủ đạo trong mùa Xuân trên những dòng sông. Nếu bán nông sản, trái cây thì chỉ cần nhìn vào cây “bẹo” là biết ghe đó bán hàng gì nhưng với ghe hoa Tết chỉ cần nhìn màu sắc là biết mai vàng, cúc trắng, vạn thọ...

Chợ hoa Xuân tỏa sắc

Người dân đi chợ hoa Xuân. Ảnh: H. Vũ.

Người dân đi chợ hoa Xuân. Ảnh: H. Vũ.

Chợ hoa Tết cũng là một trong những điểm khá độc đáo của miền Tây sông nước. Chợ hoa sông Tiền (Vĩnh Long), Chợ hoa Cao Lãnh (Đồng Tháp), Chợ hoa Bến Tre, Chợ hoa Mỹ Tho (Tiền Giang), Chợ hoa Long Xuyên (An Giang)… với hàng trăm chủng loại hoa Xuân đua nhau khoe sắc.

Từ 23 tháng Chạp, chợ hoa Xuân như thảm hoa nhiều màu sắc hòa vào khung cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp kẻ mua người bán. Dưới sông xuồng ghe tấp nập chở hoa tỏa đi muôn nơi, trên bờ người ta đi ngắm hoa, mua hoa, tất cả đang hối hả mang xuân về nhà.

Chợ hoa sông Tiền (Vĩnh Long) thường bắt đầu từ 23 Tết, là một trong những chợ hoa Xuân quy mô. Điểm đến được nhiều du khách cả trong và ngoài nước đánh giá là đẹp và đặc biệt nhất trong những chợ hoa Xuân ở khu vực miền Tây Nam Bộ.

Nơi đây tập trung hoa kiểng từ các làng hoa nổi tiếng như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre), cù lao An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng Phú (Vĩnh Long)…

Chợ hoa Cao Lãnh (Đồng Tháp) vừa mua bán hoa và cũng vừa phục vụ nhu cầu tham quan của người dân. Đặc biệt, khu chợ này còn có con đường hoa đẹp tuyệt vời để mọi người có thể thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè và người thân.

Chợ hoa Bến Tre cũng không kém phần đặc sắc khi tọa lạc tại “vương quốc” hoa, cây kiểng. Vào giữa tháng Chạp, chợ hoa Bến Tre lại trở nên nhộn nhịp bởi cảnh bán người mua cây cảnh, hoa cảnh từ khắp nơi tụ họp về.

Hình ảnh những chuyến xe chở hoa nối đuôi nhau tấp nập suốt cả ngày, cùng những tiếng nói cười càng làm cho không khí mùa Xuân thêm tưng bừng, rộn rã.

Chợ hoa Xuân Mỹ Tho (Tiền Giang) có nét đặc sắc ở mỗi con đường sẽ trưng bày một chủng loại hoa để thuận tiện cho người dân mua sắm, thưởng ngoạn.

Đây là chợ hoa truyền thống được tổ chức định kỳ hàng năm, là dịp để các nhà vườn gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, nhất là lĩnh vực trồng hoa đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường. Càng đến cận Tết, chợ hoa Xuân càng nhộn nhịp hơn, không chỉ người bán mà người mua, người tham quan, thưởng ngoạn cũng tăng lên đáng kể…

Vì tất cả những người buôn bán hầu như sẽ nghỉ ngơi trong những ngày Tết nên người mua nảy sinh tâm lý mua dự trữ, nhà nhà đều đi mua sắm trước những ngày Tết cổ truyền. Giàu hay nghèo, sang trọng hay khốn khó cũng đều cố gắng lo được cái Tết tươm tất nhất trong khả năng của mình.

Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm, mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn”, mà đó là thói quen, phong tục đẹp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ