Chợ quê ngày Tết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phần lớn khu tập thể nơi tôi đang sinh sống đều có gốc gác người từ các vùng quê.

Chợ quê ngày Tết

Cứ độ tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất khi bắt đầu bước vào tháng Chạp mấy anh em trong khu tập thể tối về lại í ới sang nhà tôi uống nước. Rồi những câu chuyện về ngày Tết quê xa ngái cứ đồng vọng về cùng chúng tôi quanh những tách trà nghi ngút khói…

Tôi còn nhớ như in ở quê cả nhà tôi ai cũng háo hức mong chờ phiên chợ Tết, nhất là bọn trẻ con chúng tôi. Cái cảm giác sáng dậy được ăn vận bộ đồ đẹp rồi theo mẹ đi chợ đến giờ nghĩ lại vẫn cứ xốn xang. Chợ quê ngày ấy còn lụp xụp chỉ là những túp lều tạm bợ được lợp bằng tranh.

Khang trang nhất là cái đình nằm ở giữa chợ (nên chợ quê tôi có tên là chợ Đình), dùng để bày bán các mặt hàng quần áo, dép mũ. Ra đến chợ dẫu không mua gì nhưng bao giờ cũng thế tôi cứ đòi mẹ đi dạo khắp lượt trong đình để được ngắm nghía các mặt hàng lạ và xem chừng là xa xỉ với những đứa trẻ như tôi.

Những đôi giầy đẹp, những cái áo len đủ màu, cái thắt lưng… được mua từ trên phố huyện chuyển về. Mà chỉ có dịp Tết người ta mới đưa hàng nhiều đến thế về để bày bán.

Phiên chợ ngày Tết nhộn nhịp hơn những phiên ngày thường rất nhiều. Ngoài những thứ hàng ngày thường, nay có thêm những hàng lá dong, gạo nếp, mía cây, tranh ảnh. Những cây mía còn cả ngọn lá xanh được cột thành bó dựng ở ngoài cổng chợ như một khu vườn nhỏ.

Tôi nhớ năm tôi học lớp Năm, sắp đến Tết mẹ bảo: “Năm nay, mẹ cho ba anh em mấy cây mía sau nhà, các con tự chặt và mang ra chợ bán, tiền bán mía mẹ sẽ cho ba anh em đi chợ Tết và mua những thứ các con thích”.

Ba anh em chúng tôi lấy làm mừng lắm, mấy ngày cận kề, anh cả cứ đi học về là xách mấy thùng nước ra tưới cho mấy cây mía, mong cho nó xanh tốt hơn để bán được nhiều tiền.

Hồi đó, ở quê tôi nhà nào cũng dựng hai cây mía ở hai bên ban thờ, bố nói đó là cây gậy cho các cụ đi, cũng là cái đòn gánh để ông bà gánh gạo. Thế nên mỗi dịp Tết trong làng nhà nào cũng có ít nhất là hai cây, nhà thờ nhiều thì bốn cây, sáu cây.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là những hàng bán tranh ảnh, câu đối, hoa giấy, xúc xắc. Những bức ảnh thường là ảnh Bác Hồ, ảnh Lênin, ảnh các loài hoa Tết như đào, mai được treo trên những dãy dây dài với đủ màu sắc. Các loại câu đối cũng tung bay phấp phới góp phần làm sáng bừng cả một góc chợ quê vốn nghèo nàn, lam lũ.

Trong không gian tràn ngập sắc hoa Tết, có mấy ông đồ đang ngồi tỉ mẩn thảo những nét bút rồng bay phượng múa. Mùi mực thơm phức cả một góc chợ. Ai đi qua cũng nán lại xem. Có lẽ đó là khoảng không gian trang trọng duy nhất ở phiên chợ Tết.

Trẻ con bọn tôi lon ton cùng mẹ ra chợ Tết còn muốn vòi vĩnh mẹ mua cho ít kẹo kéo và nhất là một bánh pháo tép nhỏ để tối Giao thừa đì đoàng. Những quả pháo tép chỉ tày đầu đũa, được tết thành bánh, cài thêm vài quả pháo cối bằng ngón tay. Tiếng pháo nổ đì đẹt, mùi thuốc pháo thơm thơm quyện trong mưa bay, mưa bụi, làm át đi cái lạnh, cái rét của gió mùa Đông Bắc.

Sau khi quanh quẩn ở hàng pháo, chọn mua được một bánh pháo tép bọn trẻ chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình chợ Tết tới hàng bánh. Hồi đó, chợ Tết khác bây giờ, các loại bánh được người ta làm ngay tại chợ.

Trong khi mẹ còn chọn bột nếp, bột mì để đêm Giao thừa làm bánh thì chúng tôi lại chăm chú xem các bà bán hàng rán bánh. Mùi thơm của bánh cuốn hút, mời gọi, trêu tức sự thèm ăn của chúng tôi.

Chợ Tết ở quê còn là nơi gặp gỡ, hỏi thăm nhau của những người quen lâu ngày mới có dịp gặp mặt. Chẳng là chợ Đình ở quê tôi là khu chợ dành cho bà con của bốn năm xã trong huyện. Có người lấy chồng về xã bên, công việc con cái nên có khi cả năm cũng chỉ đôi lần được gặp người quen nơi đằng ngoại.

Thành thử phiên chợ cuối năm như một nhịp cầu gắn kết họ với nhau. Các bà, các chị chia nhau miếng trầu, hỏi thăm nhau về một năm làm ăn vất vả, về cái đói của những tháng Tám, ngày Ba giáp hạt, chia sẻ với nhau niềm vui con cái trưởng thành hay mới cất được ngôi nhà mới, cũng có khi đó là sự giãi bày của cảnh chồng con không được như mong muốn...

Chợ Tết ở quê tôi những năm đói kém còn ám ảnh với những cảnh đời khốn khổ. Người Việt mình vẫn có câu “thiếu giỗ, lỗ Tết”, gia đình nào dù có túng quẫn đến đâu thì ngày Tết cũng phải chạy vạy để có bằng được một cái Tết no đủ.

Bởi thế, những người túng thiếu thì đôn đáo đem ra chợ bán con lợn, mấy con chó con, thúng thóc, thậm chí cả một món đồ quý nào đó của gia đình để lấy chút tiền lo Tết. Miền quê nghèo khó đói kém quanh năm hằn sâu trên từng nét mặt những người đi chợ Tết.

Đã thế cái khổ lại chồng lên cái khổ, nỗi bất hạnh. Còn nhớ có phiên chợ Tết, tôi gặp một người đàn bà áo vá chằng chịt cùng đứa con gái nhỏ (đầu tóc rối bù) đứng khóc ở cổng chợ. Nghe chị kể lại mà tội nghiệp, nhà có ổ lợn con mới đẻ vì không có tiền sắm Tết nên hai vợ chông bàn tính bán bớt mấy con, ai dè bán được lợn thì lại bị kẻ gian móc túi mất.

Nghe câu chuyện thương cảm bác bảo vệ ở chợ đã đứng ra kêu gọi mọi người góp chút ít tiền giúp chị. Và người nhiều kẻ ít không ai nói gì đều lẳng lặng giúp chị, dù tôi biết rằng trong số họ cũng có những người đang phải tằn tiện từng đồng sắm Tết như mẹ tôi.

Năm nay, đúng tròn hai mươi năm tôi lên thành phố lập nghiệp, cũng là chừng ấy năm tôi xa quê, xa những phiên chợ Tết đầy ăm ắp kỉ niệm. Trong những câu chuyện quây quần bên ấm trà những dư vị ấm áp tình quê lại vọng về. Điều ấy như thúc giục trong lòng mấy anh chị em chúng tôi rằng, Tết này nhất định sẽ về thăm quê, thăm lại phiên chợ Tết năm nào…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ