Thông điệp này được gửi gắm từ PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội trong Ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh, mục đích của giáo dục không chỉ thuần túy đào tạo học sinh thành những người chỉ biết chiếm giữ tri thức mà hướng họ đến khám phá tri thức, đến sáng tạo để chinh phục những đỉnh cao trí tuệ góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trường sư phạm phải làm tốt nhiệm vụ dạy nghề nhưng nó không phải là trường dạy nghề thuần túy mà lớn lao hơn đó là đánh thức và làm trỗi dậy khả năng sáng tạo của mỗi sinh viên để họ tiếp tục sáng tạo trong tương lai…
Bản chất của giáo dục là nhân văn và tiến bộ. Thành tựu của giáo dục là đưa con người đến với văn minh.
Quả ngọt cho đời có một phần đóng góp từ quá trình vun trồng của thầy cô giáo. Hạnh phúc nào bằng khi ta cho đi tình cảm và trí tuệ để nhận lại niềm tin và tương lai tốt đẹp của đất nước, của nhân dân.
Thời đại ngày nay, giáo dục phải trở thành “ngọn đuốc soi đường” cho sự phát triển đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Trung tâm ý tưởng của giáo dục là hướng đến sự phát triển mỗi cá nhân. Giáo dục hướng đến phát triển con người hài hòa nhưng mang tính đặc thù của mỗi cá thể.
Giáo dục phải trở thành cứu cánh cho những lỗi thời, lạc hậu và bảo thủ. Giáo dục phải vượt ra khỏi thực hành, kiếm sống thuần túy mà phải đưa con người đi xa hơn để có thể đến được khám phá, phát minh mới hi vọng có được nền kinh tế tri thức.
Giáo dục phải hướng con người biết không ngừng tự hoàn thiện thông qua trải nghiệm cuộc sống.
“Đây chính là trọng trách và vinh quang của nhà giáo” - PGS Nguyễn Văn Minh khẳng định.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, cần một cuộc lột xác thực sự: Hãy biết tỉnh giấc trên vàng son của quá khứ.
Hãy lắng nghe những nhịp thở của cuộc sống đương đại và hãy đặt mình trong hệ qui chiếu của các nền giáo dục phát triển để thấy rõ mình đang ở đâu so với thời đại và mong đợi của nhân dân.
Và niềm tin cũng được nhắc đến, đặc biệt với sinh viên của Trường ĐHSP Hà Nội, bởi, trong sâu thẳm của mỗi một thầy cô luôn đau đáu nỗi niềm và day dứt khôn nguôi về một nền giáo dục phát triển;
Bởi trong huyết quản mỗi sinh viên là dòng chảy xuyên thời đại của mạch ngầm “Ba sẵn sàng”. “Trường ĐHSP Hà Nội phải là nơi của những con người dám tự đổi mới. Sẽ hổ thẹn với quá khứ nếu chúng ta cứ bình thản trước thôi thúc của thời đại, và sẽ có lỗi với tương lai nếu chúng ta đã nhận ra mà không quyết tâm hành động” - PGS Nguyễn Văn Minh gửi gắm.
Khẳng định dạy học là một nghệ thuật, cũng theo PGS Nguyễn Văn Minh, dạy học là việc làm vượt ra ngoài phạm trù truyền tải tri thức thông thường, nó bao hàm cả nhận thức và tình cảm.
Vị Hiệu trưởng chia sẻ: Nhiều thế hệ thầy cô đang có mặt hôm nay, dù sức có thể yếu đi vì tuổi tác nhưng chưa mất đi chút nào lòng say mê tận tụy.
Chính những bài giảng của các thầy cô đã khai mở niềm đam mê của biết bao thế hệ.
Giáo dục thế giới đã có nhiều thay đổi, phương pháp dạy học cũng đổi mới không ngừng. Sự thực, sự tiếp cận của chúng ta về đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn chậm chạp.
Nói tới điều này, PGS Nguyễn Văn Minh đưa quan điểm: Nếu không đổi mới cách dạy, cách học thì khó lòng nói đến đổi mới giáo dục. Và Bộ môn phương pháp dạy học ở các khoa hoặc trở thành tâm điểm cho sự thay đổi, hoặc trở thành thành trì cho những bảo thủ.
"Trong chúng ta không ai chấp nhận bảo thủ. Vì vậy, hãy để những thỏa mãn lùi xa vào quá khứ và hãy đặt những hối thúc, những sự thiếu hụt ra trước tầm mắt để học hỏi và tìm ra giải pháp tối ưu" - PGS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Với các sinh viên, PGS Nguyễn Văn Minh gửi gắm: Để trở thành nhà giáo, phải có kiến thức cơ bản, toàn diện để hình thành các năng lực và phẩm chất nghề tốt, đặc biệt là khả năng giáo dục học sinh tinh tế.
Các em đừng tự nhốt mình trong cái địa hạt nhỏ nhoi của một chuyên ngành hẹp. Biết sâu một chuyên môn và hiểu rộng nhiều lĩnh vực các em sẽ mang trên mình đầy đủ hành trang để tự tin bước vào cuộc sống, bước vào đam mê nghề nghiệp.