Thông điệp giáo dục nghề nghiệp lên... xe buýt

GD&TĐ - Trong những ngày qua, trên một số xe buýt ở Hà Nội xuất hiện hình ảnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Đây được xem là một giải pháp đa dạng hóa truyền thông của giáo dục nghề nghiệp.

Chuyến xe buýt với hình ảnh truyền thông giáo dục nghề nghiệp.
Chuyến xe buýt với hình ảnh truyền thông giáo dục nghề nghiệp.

Tác động trên diện rộng

Nội dung truyền thông nổi bật là hình ảnh của Trương Thế Diệu. Diệu là thí sinh Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới. Bức ảnh Diệu đang dang rộng cánh tay, vươn lên cùng lá cờ Tổ quốc, với mong muốn lan tỏa thông điệp “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”.

Xe buýt vốn là phương tiện giao thông công cộng phổ biến trong thành phố, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trên con đường học tập và khởi nghiệp. Vì vậy, hình ảnh giáo dục nghề nghiệp sẽ trở nên rất thân quen và có ý nghĩa sâu sắc đối với học sinh, sinh viên và xã hội.

Theo đánh giá của một số cư dân sinh sống gần các trạm xe buýt trên phố Phạm Ngọc Thạch, Đại Cồ Việt thì, thay cho các nội dung quảng cáo thương mại, hình ảnh truyền thông giáo dục nghề nghiệp trên xe buýt có thể mang đến sự tích cực hơn của xã hội đối với học nghề và việc làm.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chương trình truyền thông được thí điểm triển khai từ đầu tháng 8 trên tuyến xe buýt số 44. Tuyến xe này đi qua nhiều tuyến phố tập trung các trường học và học sinh, sinh viên.

Việc truyền thông, quảng bá trên các phương tiện công cộng, không gian công cộng không phải là mới. Tuy nhiên, có thể nhận thấy giải pháp truyền thông này có tác động trên diện rộng tới mọi người dân, mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là các phụ huynh và các em học sinh đang chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông.

Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà giáo dục nghề nghiệp đang hướng đến.

Lựa chọn dẫn đến thành công

Trao đổi về chương trình truyền thông, bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Có thể nói, chúng tôi đã lựa chọn thời điểm các em học sinh thi tốt nghiệp THPT đang lựa chọn “lối rẽ” vào tương lai, có thêm một kênh thông tin về giáo dục nghề nghiệp.

Thông điệp, hình ảnh quảng bá là một minh chứng để các em học sinh, các bậc phụ huynh tin tưởng lựa chọn, giáo dục nghề nghiệp cũng là một lựa chọn dẫn đến thành công với tương lai tươi sáng”.

Điểm nhấn của Kế hoạch truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2020 chính là sự đa dạng hóa các phương thức truyền thông, với mục đích lan tỏa hình ảnh giáo dục nghề nghiệp tới đông đảo người dân, đối tượng trong xã hội. 

Tiếp theo các hoạt động năm 2019 như: Cuộc thi viết Tôi chọn nghề, cuộc vận động sáng tác ca khúc giáo dục nghề nghiệp, cuộc thi làm video clip về giáo dục nghề nghiệp, quảng bá trên ấn phẩm Heritage của VietNam Airline…

Năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chọn phương tiện vận tải công cộng là xe buýt để truyền tải thông điệp của giáo dục nghề nghiệp. Sắp tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ phát hành một số MV ca nhạc là những ca khúc viết về giáo dục nghề nghiệp để tiếp tục truyền tải hình ảnh tới xã hội.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương khẳng định, công tác truyền thông luôn được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành Kế hoạch truyền thông giáo dục nghề nghiệp với thông điệp “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”, “Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp”.  

Đây là hai thông điệp nói lên sự đổi mới, chất lượng của giáo dục nghề nghiệp. Chắc lý thuyết, thực hành để có kỹ năng gắn với sản xuất. Kỹ năng chính là nền tảng cho lao động, vì một tương lại thành công và tỏa sáng.

“Quảng bá trên xe buýt là một trong những giải pháp được triển khai, cùng với nhiều loại hình truyền thông khác như: Thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, mạng xã hội… Sau khi đánh giá tác động của chương trình, nếu đạt kết quả tốt, chương trình sẽ được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và nhiều tuyến xe buýt hơn ở các thành phố lớn, để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về giáo dục nghề nghiệp” - Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.