Đa dạng hóa các hình thức truyền thông giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Lần đầu tiên, trên những chiếc xe buýt ở Hà Nội xuất hiện hình ảnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Đây là một hình ảnh rất thân quen và có ý nghĩa đối với các em học sinh, sinh viên

Xe buýt trên đường phố với hình ảnh truyền thông giáo dục nghề nghiệp
Xe buýt trên đường phố với hình ảnh truyền thông giáo dục nghề nghiệp

Nổi bật là nội dung “Giáo dục nghề nghiệp thực học, thực hành vững khởi nghiệp sáng tương lai” cùng với hình ảnh của Trương Thế Diệu – Thí sinh đầu tiên của Việt Nam đã giành huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 đang dang rộng cánh tay vươn lên cùng lá cờ tổ quốc.

Đây dường như là một thông điệp mong muốn sự lan tỏa của giáo dục nghề nghiệp đến gần hơn với đời sống xã hội.

Anh Phạm Đông, một người dân sống ở gần trạm đỗ xe buýt trên phố Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Tôi khá ấn tượng với hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp trên xe buýt. Có lẽ đây là lần đầu tiên trên thành xe buýt thay vì các nội dung quảng cáo thương mại là một thông điệp giáo dục đào tạo. Tôi cho rằng, sẽ có rất nhiều học sinh thích thú với hình ảnh này.”

Xe buýt vốn là loại hình phương tiện giao thông công cộng đã gắn liền với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trên con đường lập nghiệp. Vì vậy, hình ảnh giáo dục nghề nghiệp ở đây trở nên rất thân quen và có ý nghĩa sâu sắc đối với các em học sinh, sinh viên.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chương trình được thí điểm triển khai từ đầu tháng 8/2020, trên tuyến xe buýt số 44, tuyến xe này đi qua các tuyến phố tập trung nhiều trường học và học sinh, sinh viên.

Đây là một giải pháp nhằm đa dạng hóa các hình thức truyền thông lan tỏa giá trị của giáo dục nghề nghiệp.

Tuyến xe buýt số 44 có lộ trình từ đường Trần Khánh Dư đi qua các tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Lò Đúc, Đại Cồ Việt, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Làng Sinh viên Hacinco,… Bến xe Mỹ Đình và chiều ngược lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ