Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Toàn văn thông cáo báo chí như sau:

Ngày 5/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về các nội dung: tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo về một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chủ trương xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất vaccine, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); về đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nội dung đầu tiên được Chính phủ ưu tiên xem xét tại phiên họp. Đánh giá cao, cơ bản đồng tình đối với Báo cáo của Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với nhận định, chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh là rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Theo kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước, dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn. Thủ tướng lưu ý, hiện nay số ca nhiễm mới, ca tử vong trên bản đồ dịch bệnh thế giới tiếp tục tăng; việc nhập cảnh, cư trú trái phép có xu hướng tăng lên trong thời gian qua; xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân; công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly (khi về địa phương) còn bất cập; biến chủng mới của virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh, khó phát hiện, diễn biến phức tạp.

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19. Thủ tướng cho rằng, phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống đựa trên thực tiễn.

Đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.  

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả. Tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch song phải làm việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và “Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã”.

Đúc rút kinh nghiệm hay và bài học quý qua các đợt chống dịch vừa qua để kế thừa, phát huy những cái tốt, những cái gì đã làm được nhưng phải đổi mới cho phù hợp với tình hình mới về công tác phòng chống dịch.

Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhất là “5K+ vaccine” của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện cũng như trong giám sát thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh biểu dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tăng cường thông tin truyền thông trung thực, khách quan, đúng bản chất về công tác phòng, chống dịch bệnh và hiệu quả đã đạt được để nhân dân biết, yên tâm và tích cực tham gia trong phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh xảy ra.

“Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19”. Cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch.

 Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, không để ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công ăn việc làm của người dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các giải pháp bảo đảm kết thúc năm học 2020-2021 phù hợp, hiệu quả, tránh cực đoan, nhưng cũng tránh lơ là, chủ quan.

Chính phủ nhất trí giao Bộ Y tế khẩn trương, chuẩn bị kỹ Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Chính phủ sẽ có cuộc họp chuyên đề về nội dung này.

Đề cập đến công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, bảo đảm an toàn về mọi mặt, thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đồng thời phải chọn được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất, năng lực, uy tín làm đại biểu của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có các kịch bản phù hợp với mọi tình huống.

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021. Chính phủ thống nhất nhận định, trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển tốt, xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt (thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay); xuất khẩu, thu hút đầu tư, thu ngân sách đạt được nhiều kết quả tích cực; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định, cơ bản có bước cải thiện; công tác khắc phục hậu quả bão lũ năm 2020 được triển khai tốt;… 

Tuy nhiên, chúng ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán của dịch COVID-19, tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước; chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tài khóa có những kết quả tích cực song nhiều chỉ số chúng ta còn chưa yên tâm; nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; còn có sự mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo về thể chế làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là những vấn đề phải tập trung giải quyết; tình hình đầu tư công có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm; một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; an ninh trật tự nổi lên vấn đề nhập cảnh, lưu trú trái phép, cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định…

“Bên cạnh những tín hiệu tốt, tích cực, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều lo lắng, đề nghị các thành viên Chính phủ nhận thức rõ vấn đề này. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mỗi bộ, mỗi ngành, địa phương phải chủ động, tích cực xử lý những vấn đề còn hạn chế, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong tháng 5 và thời gian tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Theo dự báo, nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và để hoàn thành “mục tiêu kép”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần ưu tiên để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí trong quản lý nhà nước để tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.

Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tích cực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung khắc phục hậu quả, xử lý sớm 12 dự án yếu kém, thua lỗ. Các bộ, ngành, địa phương bằng các giải pháp cụ thể và với tinh thần trách nhiệm của mình quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng; giải ngân bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các dự án tăng cường đầu tư cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực giao thông để phát huy các nguồn lực ở các khu vực này, phải quyết tâm đầu tư vào đây theo hướng huy động nguồn vốn xã hội; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình thí sinh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, sớm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và đề xuất biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hiệu quả, thiết thực. Phải xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện được hỗ trợ và thảo luận, công bố công khai các tiêu chuẩn, tiêu chí này. Bổ sung các chính sách phù hợp cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, không để ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác cán bộ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chú trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên…

Về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chương trình này là rất quan trọng. Việc xây dựng Chương trình hành động phải theo hướng “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để triển khai đồng bộ, toàn diện, có lộ trình phù hợp, lựa chọn ưu tiên để thực hiện.

Chương trình hành động phải linh hoạt, khả thi, thiết thực, hiệu quả, phải dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, với tinh thần “càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, quyết định theo đa số”.

Trong đó, lưu ý những nội dung trọng tâm về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong bối cảnh gặp khó khăn, thách thức về già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là tăng cường quản lý Nhà nước, tập trung vào xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế chính sách và tăng cường kiểm tra giám sát.

Về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan trọng nhất là chỉ ra việc làm được, chưa được và nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài lâu năm.

“Nguồn lực có ít, thời gian có hạn, năng lực hạn chế, yêu cầu thì cao đòi hỏi chúng ta phải cân đối hài hòa, hợp lý”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ để hoàn thiện các báo cáo, trình cấp có thẩm quyền.

Về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20/5/2021.

Theo Báo Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.