Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017

GD&TĐ - Ngày 3/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận: Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2017; tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I/2017; báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn chuyển đổi Văn phòng Công chứng; về điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động; dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi;...

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 10 điểm nổi bật và những điểm tồn tại, bất cập về kinh tế-xã hội để các thành viên Chính phủ thảo luận.

Theo đó, 10 điểm sáng của kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm 2017 là: Kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất Nikkei (chỉ số quản trị mua hàng của Việt Nam) đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2017, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong những tháng đầu năm 2017, các cấp, các ngành đã khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ, Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; tập trung mạnh vào các nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;... 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, kinh tế tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đúng định hướng tái cơ cấu nền kinh tế và định hướng phát triển bền vững, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Trong quý I/2017, tăng trưởng tuy có thấp hơn cùng kỳ nhưng duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chịu trước những biến động của kinh tế thế giới.

Sản xuất nông nghiệp được phục hồi và phát triển; tăng trưởng dịch vụ đạt khá, du lịch phát triển mạnh; chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tiếp tục tăng; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; công tác đối ngoại và hội nhập đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững;…

Kết luận phiên họp, sau khi phân tích bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình; nhận diện rõ cơ hội, thuận lợi và khó khăn thách thức để chủ động có các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2017 là hết sức nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải lấy chủ đề của năm 2017 là  “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Yêu cầu đặt ra là phải có quyết tâm cụ thể, có sự nỗ lực vượt bậc để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%. Trong thực hiện, phải chú ý xây dựng kịch bản tăng trưởng của từng ngành, sản phẩm; đặc biệt chú trọng vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng như công nghiệp khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo… Tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện hơn nữa phát triển ngành dịch vụ, du lịch để đạt kết quả tốt nhất.

Cùng với tăng trưởng, phải kiểm soát tốt lạm phát. Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay và nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. 

 “Tăng trưởng phải đi liền với kiểm soát lạm phát. Nếu không phấn đấu tốt, không quản lý tốt thì khó có thể giữ CPI năm nay ở mức 4%. Nếu chúng ta tăng trưởng mà lạm phát cao thì không có ý nghĩa, nếu chúng ta không xử lý tốt vấn đề tăng trưởng và lạm phát thì hàng loạt chỉ tiêu vĩ mô từ cân đối ngân sách Nhà nước, nợ công, đầu tư, giải quyết việc làm, đời sống người dân đều có thể bị ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.

Thực hành triệt để tiết kiệm trong đầu tư để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng giá trị gia tăng và làm tăng GDP, đây vừa là giải pháp trước mắt vừa là giải pháp lâu dài và cũng là giải pháp phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với những nhiệm vụ nêu trên, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực chất, có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế; thực sự tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh. Chú trọng xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp theo tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt với phương pháp, cách làm cụ thể, sát thực tiễn.

Quyết liệt hơn nữa trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước bởi đây là một nguồn lực rất lớn; tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa, bán toàn bộ hoặc phần lớn vốn Nhà nước, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả quản trị doanh nghiệp, góp phần tăng GDP.

Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần càng khó khăn chúng ta lại càng phải đổi mới, càng phải tái cơ cấu mạnh hơn, nhất là cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn; bảo đảm tăng trường phải đi liền với nâng cao chất lượng tăng trưởng và giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao mức sống của nhân dân. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục vụ gần 100 triệu người dân Việt Nam, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, ngành Công Thương cần phải có hàng rào kỹ thuật để bảo hộ, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

Cùng với các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, bảo vệ môi trường,.. Thực hiện đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông; phòng chống cháy nổ; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;... 

Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại và hội nhập, nhất là các hoạt động đối ngoại trong Năm APEC 2017, xem đây là cơ hội để tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, đẩy mạnh thu hút du lịch, quảng bá và tận dụng tốt nhất các cơ hội do hội nhập mang lại một cách chủ động, hiệu quả.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tại phiên họp, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông điệp mạnh mẽ với Google, Facebook và nhấn mạnh quan điểm “ta phải khẳng định chủ quyền, không để họ bỏ qua những yêu cầu của ta, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn xã hội”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động trong công tác cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kinh tế-xã hội và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp, góp phần tạo đồng thuận xã hội, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

“Tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng trong các lĩnh vực phụ trách đều phải có chương trình cụ thể để thực hiện chủ trương mà Chính phủ đã đề ra về các giải pháp xuất nhập khẩu, lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giải ngân,... Đặc biệt đối với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta cần phải chỉ đạo kiên quyết, kịp thời hơn và phải có sự thống nhất trong lãnh đạo để có các biện pháp đồng bộ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.