Thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) vốn nổi tiếng là đất học, làng nghề. Đây cũng là thôn làng duy nhất ở Việt Nam có đến hai bảo tàng. Đó là Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT).
Khách đến tham quan, ngỡ như lạc vào vùng đất lạ - đất văn hiến, dù Lai Xá nay đã đổi thay nhiều.
Làng cổ có nghề hiện đại
Từ xa xưa, Lai Xá đã được giới nghiên cứu xác định là vùng đất cổ, cư dân có gốc gác là nghĩa binh của Hai Bà Trưng. Có thuyết nói rằng, những người lính già hoặc thương binh, sau cuộc chiến mới chọn nơi này làm chốn lập nghiệp. Họ tập trung nhiều nhất ở xóm Dộc để bẫy chim, bắt cá. Thế nên dân gian có câu “khoai lang đình Lỗ, đỗ bờ De, cá mè ao Dộc”.
Sau này khi xóm Dộc rộng mở mới lấy tên là Kẻ Sai, khoảng thế kỷ thứ 9 thì tên Lai Xá được chọn và giữ cho đến nay. Mảnh đất này cũng là nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử khi Phùng Hưng dừng chân tại vườn Chuối, đình Lỗ của Lai Xá để luyện binh trước khi đánh vào thành Tống Bình.
Khoảng 500 năm sau, Trần Liễu - thân phụ Trần Hưng Đạo cũng dừng chân tại đây trong cuộc chiến giữa ông và Thái sư Trần Thủ Độ. Lai Xá trở thành đồn trại của Trần Liễu. Cuối cùng, ông được đền bù một “ấp thang mộc” ở Chí Linh (Hải Dương) và trở thành An Sinh Vương. Sau này khi Lai Xá có nạn, ông đem tiền cứu giúp dân nghèo và tâu với triều đình cho Lai Xá được miễn tạp dịch.
Đến thời hiện đại, Lai Xá nổi tiếng là đất có nghề ảnh duy nhất cả nước. Người được tôn tổ nghề ảnh là cụ Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh). Cụ học nghề ảnh từ năm 16 tuổi tại hiệu ảnh Du Thương ở phố Hàng Bồ năm 1890. Năm 1892, cụ mở hiệu ảnh lấy tên Khánh Ký ở phố Hàng Da.
Nhờ công cụ Khánh Ký truyền nghề mà dân làng Lai Xá mở hiệu ảnh khắp nơi, có cả tại Lào, Thái Lan, Pháp, Trung Quốc… Tháng 3/1946, Bác Hồ có chuyến sang Pháp đã đến viếng mộ cụ Khánh Ký để tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ của cụ trong thời gian Bác sống và hoạt động tại Pháp.
Mạch nguồn nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá cứ thế được gìn giữ và truyền thừa cho các thế hệ. Năm 2017, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được thành lập với mục đích bảo tồn, lưu giữ và phát huy những di sản về làng nghề nhiếp ảnh. Đồng thời, kể lại câu chuyện về cuộc đời của người làm ảnh, về nghề ảnh qua những thăng trầm suốt thế kỷ 20 và những thập niên đầu của thế kỷ 21.
Tuy chỉ là bảo tàng của một thôn làng nhưng tính chuyên nghiệp lại không thua kém bất kỳ bảo tàng nào. Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cho biết, việc xây dựng, thiết kế bảo tàng được PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cũng là người con của Lai Xá ra sức giúp đỡ về chuyên môn.
“PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã mời các chuyên gia di sản và hai vị chuyên gia người Pháp sang thiết kế bảo tàng và trưng bày, đồ họa, tư vấn. Ngay cả những chú thích ảnh và hiện vật tại bảo tàng bằng tiếng Anh cũng được ông nhờ các chuyên gia của Đại học Cambridge (Anh) thẩm định và biên tập sao cho chuẩn xác và khoa học nhất”, ông Thắng cho hay.
Tại tầng 1, bảo tàng tái hiện một phòng chụp ảnh theo phong cách xưa với chiếc máy ảnh hộp gỗ cổ trên một chiếc giá 3 chân. Bên cạnh đó, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp của người Lai Xá treo trên tường dọc theo cầu thang lên tầng 2. Tại không gian này, CLB Nhiếp ảnh Lai Xá thường xuyên thay đổi các bức ảnh nghệ thuật để tạo không khí mới cho bảo tàng.
Không gian trưng bày chính của bảo tàng tại tầng 2 chia thành nhiều chủ đề. Không gian “Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá”, sơ đồ kể về quá trình tổ nghề cùng các học trò gây dựng mạng lưới những người Lai Xá làm nghề ảnh. Bên cạnh đó là không gian về các hiệu ảnh xưa.
Làm nghề ảnh không đơn thuần chỉ là chụp ảnh, bởi vậy bảo tàng còn những không gian gây tò mò nhất với du khách để khám phá công việc “bếp núc” của nghề ảnh, cách để một bức ảnh ra đời. Cuối cùng là không gian nghề ảnh Lai Xá hiện đại cùng những hiện vật mà có lẽ khó có bảo tàng nào khác trên thế giới sở hữu được.
Không gian trưng bày Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. |
Bảo tàng kết nối văn hóa làng
Ngoài nghề nhiếp ảnh, Lai Xá cũng nổi tiếng là đất học, là quê hương của cố GS Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Bảo tàng được thành lập do PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai của cố Giáo sư làm giám đốc.
Trưng bày của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thực hiện trên diện tích khoảng 150m2, giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc, với nhiều bút tích được gia đình lưu giữ cẩn thận. Đó là các ghi chép khi ông làm luận án ở Paris, hay công trình nghiên cứu của ông ở Trường Viễn Đông Bác cổ, thư từ, máy nghe nhạc, thẻ thư viện, các tài liệu hành chính thời kháng chiến, cùng các kỷ vật của GS Nguyễn Văn Huyên...
Học sinh tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. |
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, đa số tư liệu có niên đại từ nửa đầu thế kỷ 20, một số từ cuối thế kỷ 19, nhưng cũng có cả các hiện vật của những năm 1970 - 1980. Nhiều câu chuyện chân thực, xúc động được thể hiện qua các bức ảnh, những trích dẫn thư, nhật ký và video.
Trưng bày được tổ chức theo 4 chủ đề chính trên 4 tầng của tòa nhà: Nền tảng gia đình (tầng 1), Tuổi trẻ của bố mẹ (tầng 2), Bố chúng tôi – một nhà bác học (tầng 3) và Bố chúng tôi – một người hành động (tầng 4). Ngoài ra, từ sân thượng du khách sẽ có một cái nhìn bao quát về Lai Xá xưa và nay, như một không gian kết nối bảo tàng với các di tích, văn hóa của làng cổ.
Trưng bày của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thể hiện sinh động. Ngoài tiếng Việt, tất cả các thông tin chính của trưng bày được thể hiện bằng tiếng Anh và Pháp. Bảo tàng còn được ví như một thư viện với nhiều đầu sách quý bằng tiếng Hán, Pháp, Việt ở nhiều lĩnh vực, từ dân tộc học cho đến lịch sử, địa lý… phần nhiều được xuất bản khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Thư viện cũng là nơi giao lưu của họ hàng, bạn bè, khách tham quan, giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động giáo dục.