Sự hưng thịnh của nghề gốm một thời đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng bề thế, uy nghi. Sau mấy thế kỷ nắng gió, những cổ kính rêu phong kia trở thành báu vật của làng, là nỗi nhớ và cả những mến thương xưa cũ.
Trăm năm nhà cổ
Làng Thổ Hà tựa như một thành quách cũ bởi những bức tường gạch nung cao quá đầu người. Trải qua hàng trăm năm, những lớp rêu phong xanh rì phủ kín những nơi tường rơi rụng vôi vữa. Ẩn hiện sau bức tường ấy là những ngôi nhà cổ - thứ tài sản quý giá nhất của người Thổ Hà.
Theo những tư liệu lịch sử được lưu truyền lại, những ngôi nhà cổ ở Thổ Hà được xây dựng cách nay từ 300 – 400 năm. Trải qua bao đời sinh sống, chủ nhân hiện tại của những ngôi nhà cổ đó không nhớ được chính xác thời gian xây dựng. Họ chỉ biết rằng, khi sinh ra đã thấy ngôi nhà gỗ lim với bậc thềm đá.
Ngôi nhà của cụ Trịnh Thị Thi được xem là báu vật quý nhất bởi giữ được y nguyên kiến trúc ban đầu. Theo như gia phả truyền lại, ngôi nhà của gia đình cụ được xây dựng cùng thời gian với chùa Thổ Hà vào thế kỷ thứ 17.
Ngôi nhà gồm 7 gian với 35 cột gỗ lim rắn chắc. Các cao niên trong dòng tộc họ Trịnh kể rằng, ngôi nhà này được mua với giá một nghìn hai trăm đồng. Đến nay đã khoảng trên 300 năm nhưng hệ thống cột kèo, rui mè vẫn còn nguyên vẹn không bị mối mọt.
Vào năm 2007, gia đình cụ Thi đầu tư 400 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc cổ, ngoại trừ việc lát gạch hoa và nâng cao lên khoảng 70cm.
Cụ Thi nói rằng, cứ đời này bảo đời kia phải gìn giữ ngôi nhà, phải cố gắng giữ y nguyên như ngày đầu. Có những đận mưa gió khiến ngói bị vỡ, gia đình phải đi sưu tầm những viên ngói cổ hình vảy cá, hoặc mang viên ngói cũ đến xưởng đặt riêng để “vá” vào những nơi đã vỡ.
Kiểu nhà bái môn, bàn đá đánh cờ
Ngoài tư gia của cụ Thi, làng Thổ Hà còn khoảng mười ngôi nhà khác được cho là xây dựng cùng thời gian với chùa Thổ Hà.
Nhà của ông Cáp Trọng Chỉ cũng được nhiều người đánh giá đẹp nhất làng. Với kiểu mái bái môn, tức là mái hiên chỉ cao 1,6m bằng đầu người, khi vào nhà mọi người đều phải cúi đầu xuống, khi ngẩng đầu lên thì nhìn thẳng vào ban thờ tổ tiên.
Tuy nhiên, một số cột lim đã bị mối mọt ăn mòn. Năm 2008, gia đình ông phải dùng đến cả hóa chất và mời chuyên gia đến để tư vấn diệt mối. Sau đó, gia đình đã cơi nới cho ngôi nhà rộng thêm, cao thêm và trùng tu lại mái ngói, lát gạch.
Ông Chỉ kể rằng, ngày xưa dòng họ Cáp có nhiều người làm các chức quan to trong vùng. Vì vậy mà việc xây cất ngôi nhà cũng phải cho xứng đáng với tầm vóc và oai phong của họ tộc.
Theo gia phả và chuyện truyền miệng, thì ngôi nhà gia đình đang ở phải chuẩn bị vật liệu mất gần một năm. Những cột lim cao chừng 4m và nhiều tấm đá dài khoảng 2m nặng hàng tấn được đưa từ Thanh Hóa ra bằng đường thủy.
Gỗ và đá ở Thanh Hóa sau khi xẻ ra, cho lên bè xuôi theo sông Mã ra cửa biển, rồi lại ngược lên phía Bắc đến sông Cầu. Hành trình này phải kéo dài cả tháng trời vì khối lượng gỗ, đá lớn và đoạn đường vận chuyển phức tạp.
Khi bè đến bến Thổ Hà, họ Cáp phải huy động những thanh niên khỏe mạnh nhất dùng con lăn kéo gỗ, đá lên bờ. Cứ thế hết chuyến bè này đến chuyến bè khác, mất khoảng 1 năm thì đủ nguyên liệu cần thiết cho một ngôi nhà trở thành huyền thoại của làng Thổ Hà.
Những ngôi nhà này thường đi kèm bậc thềm đá cùng một tảng đá lớn đặt ở giữa nhà, tượng trưng cho sự vĩnh cửu của người Việt xưa. Trong những ngôi nhà cổ ở Thổ Hà, điều thường thấy chính là những bàn đá ở gian chính giữa. Bàn được kẻ vẽ hình bàn cờ, nếu ngồi dọc thì đánh được cờ tướng, ngồi ngang thì đánh cờ vây.
Ngoài ra, để tăng thêm sự sang trọng cũng như nét đẹp văn hóa, những người thợ khéo tay xưa đã khắc những hình tứ linh lên “đầu tay” của ngôi nhà. Những hoa văn đó tượng trưng cho khát vọng ấm no, phú quý của chủ nhân.
Thời gian đã làm những nét văn hóa xưa cũ đó trở thành những báu vật vô giá. Nhiều người đã đến Thổ Hà muốn mua lại những ngôi nhà cổ với bất cứ giá nào. Tuy nhiên, chẳng ai dám bán báu vật cha ông để lại, cho nên khách có đến thăm, đến chiêm ngắm thì được chứ hỏi việc mua bán thì coi như phạm huý.
Vang bóng gốm Thổ Hà
Những người lần đầu đặt chân nơi đây hẳn sẽ đều ngạc nhiên với những lối nhỏ, ngõ nhỏ, có nơi chỉ rộng đủ hai người đi vừa. Những bức tường mang màu đỏ của thứ gạch cũ đã mòn vẹt, tường xếp chằn chặn một thứ sành nâu đen bóng. Vẫn là con đường xưa, nhưng nét trầm mặc của thời gian như in dấu trong mỗi bước chân.
Người địa phương nói rằng, những lối đi nhỏ được gọi là ngõ ống. Xa xưa để chống trộm cướp, các cụ làm ngõ sâu và nhỏ. Mỗi đầu ngõ có cổng chung. Kín cổng cao tường bên ngoài nhưng bên trong lại đầm ấm tình làng nghĩa xóm.
Thổ Hà với 3 mặt là sông, người dân không có ruộng, bao đời nay nguồn sống chính là từ nghề thủ công, buôn bán nhỏ. Trong số những nghề sinh tồn đó, Thổ Hà vang bóng một thời với nghề làm gốm.
Do thăng trầm của thời gian, nghề làm gốm đã mai một, cả làng duy nhất một gia đình vẫn miệt mài sản xuất. Nhưng đây lại là điểm nhấn để Thổ Hà thêm thú vị khi khách lạ biết về nghề gốm đã một thời vang bóng.
Gốm Thổ Hà không phải màu trắng tinh khôi như Bát Tràng, cũng không sáng loáng như Phù Lãng. Gốm Thổ Hà là gốm sành, dung dị, gần gũi với đời sống người dân quê trong sinh hoạt hằng ngày, chỉ là những chum, vại, chĩnh, tiểu sành, lọ hoa…
Ngoài nhà cửa, nghề gốm thì Thổ Hà còn một cổng làng được đánh giá là đẹp nhất vùng hạ và trung lưu sông Cầu. Cổng nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, một bên là hồ nước rộng, một bên là cây đa hàng trăm năm tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa làng quê Đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Thổ Hà nổi tiếng xứ Kinh Bắc được hàng cây cổ thụ bao quanh, đầu bờ nóc đình uốn quanh hình lưỡi liềm, góc mái có gắn nghê, thú nhỏ bằng sành nung già lửa đỏ tía. Với kiến trúc lâu đời có giá trị về mỹ thuật, điêu khắc, làng Thổ Hà trở thành địa chỉ quen thuộc thu hút nghệ sĩ và nghệ nhân đến học hỏi.
Theo các cao niên, đình được xây dựng vào năm 1692, thời vua Lê Hy Tông. Đó là một công trình kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000m2 với một nghệ thuật điêu khắc độc đáo.
Đình đã từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện Bảo tàng Bác Cổ Đông Dương. Ðình thờ Lão Tử và tổ sư nghề gốm Ðào Trí Tiến. Đây là ngôi đình cổ thứ hai ở Bắc Giang, sau đình Lỗ Hạnh được xây dựng năm 1576.
Ngoài các cấu kiện kiến trúc cổ, hiện đình còn lưu giữ được chín tấm bia cổ. Qua những thư tịch cổ, bia đá cổ là những minh chứng cho sự cổ kính của ngôi đình này. Bởi vậy, không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại xem đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.
Năm 1962, đình Thổ Hà đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.