Sản phẩm gốm son không phủ men, được trang trí đơn giản với phương pháp khắc chìm, đắp nổi… tạo nên vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc.
Làng gốm cổ bên dòng sông Đáy
Làng gốm Quế, nay là Quyết Thành, thuộc thị trấn Quế (Kim Bảng, Hà Nam). Từ thành phố Phủ Lý, men theo dòng sông Đáy êm đềm thơ mộng, qua cầu Quế khoảng 6 cây số là đến làng gốm cổ.
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề gốm ở đây được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, do một người từ xứ Thanh mang nghề đến làng lập nghiệp. Sau này dân làng gọi ông là tổ sư nghề gốm, tôn làm Thành hoàng làng. Hàng năm, nhân dân mở hội làng vào ngày 15 và 16 tháng Giêng để tưởng nhớ tổ nghề.
Bà Chu Thị Chính, một thợ vuốt gốm lâu năm trong làng cho biết: “Xưa làng Quyển bên kia sông, cung cấp đất sét làm gốm cho làng Quế bên này, nên gọi tên là gốm Quế Quyển”. Đất sét vàng nơi đây rất phù hợp sản xuất gốm. Người làm nghề đào đất từ ngoài đồng mang về và ngâm trong bể nước.
Sau đó, nước được rút hết và làm nhuyễn đất bằng phương pháp dùng chân xéo, nhào luyện nhiều lần. Đất nhuyễn được vê con trạch đặt lên bàn xoay thủ công tạo hình sản phẩm, sau đó phơi cho cứng lại rồi đắp, khắc trang trí hoa văn họa tiết, đánh giấy ráp, dùng mút chuốt vệ sinh sạch.
Sau khi phơi khô, sản phẩm được để mộc và cho vào lò nung. Các công đoạn từ lúc bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu đất đến lúc đưa sản phẩm vào lò nung thường phải mất từ năm đến bảy ngày. Những người thợ gốm cẩn thận trong từng khâu khai thác và xử lý đất, tạo dáng, trang trí, nung đốt, để cho ra lò những sản phẩm chín đẹp.
Ngày nay, nhờ có các loại thiết bị hỗ trợ trong các khâu sản xuất gốm, người thợ đỡ vất vả hơn xưa. Nguyên liệu đất có máy nhào trộn hút chân không, sau đó được chuyển sang máy đùn, đầu khuôn ra đất hình con trạch.
Người thợ vuốt không phải tự vê đất bằng tay khi vuốt tạo hình sản phẩm, giảm thời gian và công sức lao động so với cách làm trước kia. Một số sản phẩm cũng được ứng dụng dùng khuôn thạch cao đổ rót, đáp ứng số lượng lớn, nung trong lò gas nên chất lượng sản phẩm ổn định hơn.
Bà Chu Thị Chính, thợ vuốt gốm lâu năm làng Quế. |
Thăng trầm dòng gốm son
Gốm Quế Quyển nổi tiếng bởi dòng gốm son như: Ấm chén, bình rượu, phạn, cối, chum, vại… Nhờ thiên nhiên, khí hậu ban tặng mà đất ở đây khác với những nơi khác. Sản phẩm gốm son không phủ men, được trang trí đơn giản với phương pháp khắc chìm, đắp nổi… qua tay những người thợ khéo tạo nên vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc...
Nguồn nguyên liệu đất sét chất lượng cao có sẵn tại địa phương có thể chảy men tự nhiên khi sản phẩm được nung ở nhiệt độ thích hợp. Vì thế, khi dùng sản phẩm bình đựng rượu có thể giúp thải được chất Aldehyde mà vẫn giữ được hương vị của rượu.
Ngoài ra, dùng sản phẩm ấm để pha trà giúp trà thơm mát, giữ nhiệt được lâu. Các thương hiệu rượu truyền thống, chè san tuyết nổi tiếng thường ưa chuộng sử dụng sản phẩm gốm son được sản xuất nơi đây.
Bà Chính kể, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, số lượng lò nung bị giảm dần, có lúc tưởng chừng như nghề gốm Quế bị mai một. Qua khảo sát, làng gốm có hơn 200 hộ gia đình với hơn 600 nhân khẩu, hiện chỉ còn 5 nhà làm gốm, với mỗi xưởng sản xuất có khoảng 20 lao động.
Những năm gần đây, xã hội phát triển, kinh tế đi lên, người tiêu dùng lại chuộng gốm Quế Quyển bởi sản phẩm vẫn được làm theo lối xưa, chỉ có đất, lửa và vuốt thủ công. Gốm không dùng men hóa chất và được nung trong lò bầu truyền thống bằng củi, chính vì thế sản phẩm có độ bền cao.
Năm 2004, Quyết Thành được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó, dòng gốm son gắn với những mẫu sản phẩm mang tính truyền thống được quảng bá rộng rãi, nhiều người biết hơn. Trong đó, những người thợ giỏi đã được công nhận vì đã có công lao đóng góp cho phát triển làng nghề.
Làng gốm Quyết Thành dần được khôi phục, tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Làng nghề được xếp vào vị trí có sản phẩm hàng son được Sở KH&CN công nhận thương hiệu Gốm son mỹ nghệ vào năm 2010.
Anh Lại Tuấn Sơn, thợ lành nghề làng gốm. |
Tìm hướng phát triển
Anh Lại Tuấn Sơn, xưởng gốm Liên Kiểm cho biết: Làng nghề gốm Quế được gây dựng trở lại, nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề khó khăn như: Thiếu lực lượng lao động trẻ, số thợ có tay nghề cao không nhiều...
Ngoài ra, sản phẩm còn hạn chế về mẫu mã. Hiện, các cơ sở chủ yếu vẫn sản xuất sản phẩm gia dụng chưa tinh xảo, hạn chế về đầu ra…
Một số chủ lò chia sẻ, khó khăn chung của người làm gốm Quế Quyển là thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Cùng với đó, thợ gốm lâu nay chỉ thích làm những sản phẩm sẵn có từ xưa, ngại thay đổi mẫu mã… Vì vậy, muốn phát triển làng nghề truyền thống, cần có định hướng, nghiên cứu sâu về đặc điểm, tính chất sản phẩm đặc trưng mới đầu tư đúng và trúng giúp làng nghề phát triển được.
Làng nghề truyền thống gốm Quế Quyển có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, mang tính cộng đồng cao.
Theo xu thế hiện nay, du lịch làng nghề đang dần trở thành hoạt động du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn du khách. Du lịch làng nghề mang lại hiệu quả kép vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.
Công tác phát triển làng nghề gắn với du lịch cần được tỉnh Hà Nam quan tâm đầu tư và khai thác triệt để thông qua việc ban hành các đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề, làng nghề truyền thống... Nhờ đó, làng nghề gốm Quế mới thực sự hồi sinh và phát triển bền vững.
Phát triển làng nghề không thể tách rời với phát triển du lịch. Có thể nói đây là mối quan hệ cộng sinh, hỗ trợ lẫn nhau, giúp tăng nguồn thu và phát triển được làng nghề.
Địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển du lịch làng nghề. Đầu tư nguồn nhân lực thiết kế, phát triển đa dạng loại hình mẫu mã sản phẩm như: Tranh gốm, tượng gốm, gốm decor trang trí nội ngoại thất…
Cùng với đó, xây dựng một tổ hợp tham quan du lịch: Chùa Tam Chúc - Chùa Bà Đanh - Làng gốm Quyết Thành…