Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Thừa nhận tội vô ý làm chết người

GD&TĐ - Sáng 12/6,TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của bác sĩ Hoàng Công Lương cùng các bị cáo khác trong vụ án chạy thận gây chết người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tại phiên tòa, cựu bác sĩ Hoàng Công Lương đã thừa nhận phạm tội vô ý làm chết người, đồng thời thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt 42 tháng tù.

Phiên tòa sáng ngày 12/6 (bác sĩ Hoàng Công Lương thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Mạnh Hùng
Phiên tòa sáng ngày 12/6 (bác sĩ Hoàng Công Lương thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Mạnh Hùng

Xin giảm nhẹ hình phạt

Trước đó, bác sĩ Lương đã có đơn từ chối 9 luật sư đã bào chữa cho mình tại phiên sơ thẩm hồi tháng 2 và chỉ nhận luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa. Tại phiên tòa diễn ra ngày 12/6, theo chủ tọa của phiên tòa, bị cáo Lương đã có 3 đơn kháng cáo, lần lượt với các nội dung: kêu oan; xin miễn trách nhiệm hình sự; xin xem xét lại tội danh, giảm hình phạt, xin được hưởng án treo. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, khi được HĐXX hỏi, bị cáo này xin giữ lại kháng cáo cuối cùng và mong tòa cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh và vai trò, mức độ liên quan trong vụ án. HĐXX tiếp tục thẩm vấn: “Bị cáo có nhất trí với tội danh vô ý làm chết người không?”. Hoàng Công Lương trả lời ngắn gọn: “Vâng”, thừa nhận tội “Vô ý làm chết người”.

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị xét xử khách quan. Lãnh đạo Bộ Y tế đã nêu ra vấn đề với bị cáo Hoàng Công Lương: Trong quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hòa Bình đã 3 lần thay đổi tội danh đối với bị cáo từ “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cho đến “Tội vô ý làm chết người”. Bộ Y tế cho rằng, cơ quan này khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội. Ngay cả việc Toà án nhân dân TP Hoà Bình tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người” cũng chưa phù hợp.

Liên quan đến Bộ Y tế, trong phần thủ tục sáng 12/6, luật sư Hoàng Văn Hướng đã đề nghị mời đại diện Bộ Y tế đến dự tòa để làm rõ một số văn bản liên quan vụ án.

Trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết: Vụ việc 9 người chết do chạy thận tại Hòa Bình đã gây rúng động trong dư luận, nên cơ quan pháp luật sẽ truy xét đến cùng về nguyên nhân những cái chết và tìm ra lỗi bắt đầu từ đâu. Giải quyết vụ việc này, cơ quan pháp luật cũng nhằm răn đe, phòng ngừa và áp dụng pháp luật chung tới các cá nhân, tổ chức. Nguyên nhân sâu xa và cơ bản chính là do trách nhiệm của Bộ Y tế. Nghị định số 63 của Chính phủ năm 2012 đã quy định rõ chức năng và quyền hạn của Bộ Y tế là ban hành ra các quy định, quy trình cũng như quy chuẩn về vấn đề khám và chữa bệnh cho người dân, trong đó có vấn đề chạy thận nhân tạo.

Trước đó, TAND TP Hòa Bình tuyên án sơ thẩm với 7 bị cáo. Bác sĩ Lương bị phạt 42 tháng tù, Bùi Mạnh Quốc 54 tháng tù do phạm tội “vô ý làm chết người”. 5 người còn lại là Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng, Trần Xuân Sơn, Đỗ Anh Tuấn nhận 30 - 42 tháng tù cùng về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

“Chạy thận nhân tạo là biện pháp chữa bệnh mới, ngay Trường ĐH Y Hà Nội cũng chưa có khoa để đào tạo riêng. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ ban hành được quy trình về chạy thận lấy từ quy trình lọc máu thông thường để ban hành áp dụng cho các cơ sở y tế thực hiện. Trên thực tế, đây là một quy trình mang tính hình thức vì chạy thận trên 90% các công việc thực hiện lại do máy móc và thiết bị. Trong khi đó, Bộ Y tế chưa ban hành quy chế, quy trình về thiết bị và máy móc, từ vấn đề lọc nước cho tới việc bảo hành hệ thống lọc. Bên cạnh đó, các bác sĩ không được đào tạo về vấn đề lọc nước nên mới dẫn tới việc làm đáng tiếc. Chính quy trình không chuẩn đã khiến bên buộc tội và bên gỡ tội có những tranh luận mâu thuẫn nhau”, luật sư Hoàng Văn Hướng nhấn mạnh.

Theo luật sư Hướng, nguyên nhân dẫn đến sự cố là do chưa có quy trình về thiết bị (nhân viên kỹ thuật, sửa chữa bảo dưỡng). Chính vì không có quy trình thiết bị đầy đủ nên mới có hậu quả trên. Bác sĩ Hoàng Công Lương chính là người cuối cùng để ra y lệnh thực hiện quá trình chạy thận. Tuy nhiên, trước khi ra y lệnh chạy thận, theo pháp luật bác sĩ Hoàng Công Lương hoàn toàn phải có sự bàn giao bằng văn bản cụ thể. Nếu bác sĩ Hoàng Công Lương phát hiện được chất axit Flohydric (HF) vượt quá mức an toàn còn trong hệ thống nước và cho dừng việc chạy thận thì sẽ không xảy ra sự cố đáng tiếc trên. Như vậy, liên quan đến vấn đề sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế cũng phải có trách nhiệm. Luật sư Hoàng văn Hướng cho rằng: Bộ Y tế phải nhận lỗi về vụ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.