Vụ án xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Hoãn phiên tòa vì luật sư vắng mặt

GD&TĐ - Ngày 13/5, sau khi thảo luận, HĐXX phiên xét xử phúc thẩm vụ án chạy thận nhân tạo khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình quyết định hoãn phiên tòa. 

Bị cáo Hoàng Công Lương (bên phải). Ảnh: Mạnh Hùng.
Bị cáo Hoàng Công Lương (bên phải). Ảnh: Mạnh Hùng.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị xét xử khách quan vụ án này.

Cần công tâm khi xét xử

Để bảo đảm điều tra, truy tố, xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cũng như không làm oan người vô tội và bảo đảm tính khoa học toàn diện, tại Công văn số 2569/BYT-PC gửi Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ quan này xét xử khách quan, công tâm, khoa học đối với vụ án chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Lãnh đạo Bộ Y tế đã nêu ra vấn đề với bị cáo Hoàng Công Lương: Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Hòa Bình đã 3 lần thay đổi tội danh đối với bị cáo từ: “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, “Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cho đến “Tội vô ý làm chết người”.

Điều này cho thấy, cơ quan này khá lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội. Ngay cả việc Toà án nhân dân TP Hoà Bình tuyên xử phạt bị cáo Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người” cũng chưa phù hợp.

“Vô ý làm chết người” là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình tác động vào cơ thể nạn nhân có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi tác động vào cơ thể nạn nhân của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, về chủ thể của tội danh này trong quan hệ pháp luật là chủ thể thường như lái xe vô ý gây chết người hay người vô tình đẩy ngã, bắn nhầm, cho ăn gây chết người...

Nhưng ở vụ án này, bị cáo Lương là bác sĩ - là chủ thể đặc thù nên hành vi của bác sĩ Lương khi ra y lệnh là hành vi cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, trong hoạt động chuyên môn kỹ thuật. Do đó, xác định chủ thể tội danh này đối với bác sĩ Lương là không thuyết phục.

Hoãn phiên tòa vì luật sư vắng mặt

Sáng 13/5, TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên phúc thẩm, xét xử các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án chạy thận làm 9 người chết tại BVĐK Hòa Bình. Tại đây, các bị cáo gồm: Hoàng Công Lương, nguyên bác sĩ điều trị Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế; Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn; Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình và Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, do luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương là luật sư Hoàng Văn Hướng và một số người liên quan tới vụ việc vắng mặt, luật sư cũng đã có đơn xin hoãn phiên tòa nên phiên xét xử tạm dừng.

Được biết sau khi rời phòng xét xử, bị cáo Hoàng Công Lương đã chia sẻ với báo chí về việc từ chối các luật sư từng tham gia bào chữa trong phiên sơ thẩm và chỉ mời luật sư Hoàng Văn Hướng với lý do: Vì một số người có việc bận và tính chất, mức độ của vụ án không cần thiết có nhiều luật sư.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết: Lý do vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên toà của thân chủ Hoàng Công Lương là vì ông phải đồng thời tham gia bào chữa tại một phiên toà cấp cao khác nên không thể có mặt cùng một lúc.

Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, với tính chất phức tạp của vụ án, luật sư có lý do khách quan vắng mặt lần đầu tại phiên toà phúc thẩm thì có quyền viết đơn xin đề nghị hoãn phiên toà.

Khi được hỏi về việc bào chữa cho thân chủ của mình là bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Hướng cho biết: “Tôi sẽ cố gắng để bảo vệ cho thân chủ của mình một cách tốt nhất. Tất cả những công việc tôi làm đều phải được dựa trên các tài liệu, chứng cứ, tình tiết, tính chất của vụ án và cơ sở pháp lý của luật pháp”.

Cuối tháng 5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đột ngột có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện phải về các bệnh viện Hà Nội hoặc đến Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình để lọc máu theo chu kỳ.

Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.

Tòa sơ thẩm vào cuối tháng 1 tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương 42 tháng tù giam với tội danh “Vô ý làm chết người”, Bùi Mạnh Quốc 54 tháng tù với cùng tội danh. 5 người khác cũng bị phạt tù, trong đó có nguyên Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương và nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu do “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ