Giảm nghèo bền vững trong điều kiện mới là cần thiết, cấp bách

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra những lý do cho thấy xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong điều kiện mới "là rất cần thiết, cấp bách”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình bày Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình bày Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Cần thiết, cấp bách trong điều kiện mới

Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) trong điều kiện mới theo Bộ trưởng "là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay".

Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: "Đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng năm".

Thứ hai, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thứ ba, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030: "Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững".

Thứ tư, tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia.

Thứ năm, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Thứ sáu, việc xây dựng Chương trình là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, về tên gọi, Chương trình được đổi tên thành "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".

Với đối tượng, địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.

Ông Đào Ngọc Dung nêu, chương trình được kết cấu lại với 6 dự án (11 tiểu dự án). Trong đó, chuyển các nội dung về đào tạo nghề chất lượng cao, phát triển hệ thống bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy thuộc các dự án 2 về "Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững" và dự án 3 về "Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội" vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bổ sung các tiểu dự án mới để giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản còn cao của các hộ nghèo ở giai đoạn trước hoặc chưa bố trí đủ nguồn lực thực hiện, gồm: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo và Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo và vùng nghèo, vùng khó khăn.

"Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước. Tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác", Bộ trưởng cho biết.

Với mục tiêu tổng quát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.