ĐH Tôn Đức Thắng và Tổng LĐLĐVN “lệch pha” ở những điểm nào?

GD&TĐ - Cùng một sự việc, nhưng thông tin mà Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp cho báo chí... vênh nhau.

 Đại Học Tôn Đức Thắng
Đại Học Tôn Đức Thắng

Về việc trích 30% chênh lệch thu chi

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: không có bất cứ yêu cầu hoặc văn bản nào buộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải trích 30% chênh lệch thu chi từ hoạt động sự nghiệp của nhà trường. Nội dung này là kiến nghị của đoàn kiểm tra, nhưng Thường trực Đoàn Chủ tịch và Đoàn Chủ tịch chưa đồng ý. Đến giờ phút này Tổng Liên đoàn chưa có bất cứ văn bản yêu cầu Trường ĐH Tôn Đức Thắng nộp một đồng nào.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Trường đã nhận văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế. Mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định. Ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết đã 3 lần Tổng Liên đoàn yêu cầu trường phải nộp tiền.

Về nguồn gốc đất và tài sản trên đất

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nếu Trường Đại học Tôn Đức Thắng không thuộc Tổng Liên đoàn thì liệu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có cấp đất cũng như tài sản trên đất cho nhà trường ở 2 cơ sở ban đầu là 198 Ngô Tất Tố và cơ sở tại phường Tân Phong, quận 7, TPHCM - thời điểm đó, nguyên giá tài sản là 81 tỷ đồng - số tiền rất lớn?

Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Cơ sở Bình Thạnh - TPHCM do nhà trường mua lại của Công ty Dệt may Gia Định vào cuối năm 1999 bằng vốn vay; Cơ sở quận 7 (là đất trống, không có bất cứ tài sản gì trên đất) đã được UBND TPHCM giao cho trường theo Quyết định số 1479/QĐ-UBND ngày 2/4/2008, lúc này trường vẫn đang là Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TPHCM.

Ngày 11/6/2008, trường mới chính thức đổi tên thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc TLĐ LĐ. Việc xây dựng cơ sở trên đất của các cơ sở này từ nguồn vốn tự tích lũy và vốn vay ưu đãi; thời điểm đó không có bất cứ tài sản nào trên đất “theo nguyên giá là 81 tỷ đồng”.

Về nguồn tài chính được cấp, hỗ trợ lớn hay nhỏ

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: TLĐ kiến nghị Chính phủ cấp khoảng 62 tỷ đồng cho ĐH Tôn Đức Thắng xây khối nhà ở cho sv; Nhà nước cũng cho trường vay gói kích cầu hơn 120 tỷ đồng; tổ chức công đoàn cho vay không lãi trên 180 tỷ đồng.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Tài trợ bằng tiền của Nhà nước và công đoàn từ khi thành lập đến nay cho trường có 5 khoản với tổng là 295,5 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng đầu tư xây dựng cơ bản của nhà trường trên mặt đất. Số liệu tài chính này không tính đến giá trị đất.

Về tần suất kiểm tra tài chính, tài sản

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Từ năm 2008 đến bây giờ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới chỉ kiểm tra tài chính, tài sản của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đúng 1 lần.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Thông tin “TLĐ mới chỉ kiểm tra tài chính, tài sản của trường đúng 1 lần” là phát biểu dễ gây hiểu lầm dư luận. Hằng năm, nhà trường đều thực hiện kiểm toán độc lập và năm 2015, 2018 là kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra trường.

Hằng năm (từ 2016 trở về trước), Đoàn Chủ tịch TLĐ đều về làm việc với trường để nghe báo cáo tình hình hoạt động năm vừa qua và phương hướng hoạt động năm tới, trong đó nhà trường đã báo cáo đầy đủ hoạt động tài chính có kiểm toán và Đoàn Chủ tịch có đóng góp ý kiến vào phương hướng hoạt động của trường.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ