Đẩy mạnh đào tạo nghề cho người khuyết tật

GD&TĐ - Đào tạo nghề cho người khuyết tật (NKT) là một trong những nội dung quan trọng trong công tác trợ giúp NKT ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, là một trong những yếu tố căn bản đảm bảo thực hiện quyền NKT theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của NKT. 

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho người khuyết tật

Đây cũng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm giúp cho NKT vươn lên bình đẳng và hòa nhập xã hội.

Nhiều mô hình đào tạo gắn với việc làm

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thực hiện công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT, ở Trung ương, các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trung ương Hội Phụ nữ, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Người mù, Hội Chữ thập Đỏ, đã triển khai xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho NKT như:

Mô hình doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề để tuyển dụng NKT vào làm việc hoặc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; Mô hình cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo kết hợp với doanh nghiệp tổ chức việc làm cho NKT sau khi học xong theo hợp đồng giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.

Theo đánh giá, có khá nhiều các mô hình đào tạo nghề cho kết quả tích cực, NKT sau học nghề đã có được việc làm ổn định và bền vững, qua đó, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho NKT cũng vẫn còn không ít những khó khăn, cụ thể: Hiện có nhiều tổ chức tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT trên cùng một địa bàn, nhưng sự phối hợp giữa cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, chưa có đơn vị đầu mối theo dõi thống kê.

Hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn các địa phương xác định chỉ tiêu, dành tối thiểu 10% chỉ tiêu hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách Nhà nước để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, nhưng hầu hết các địa phương trong kế hoạch hàng năm không đưa chỉ tiêu này và không bố trí kinh phí riêng cho tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình đào tạo cũng còn thiếu và không phù hợp, trang thiết bị cho đào tạo nghề tạo việc làm còn rất khó khăn…

Xây dựng danh mục nghề cho NKT

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, Việt Nam hiện có 7,6 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số từ 5 tuổi trở lên, trong đó NKT đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%. Do tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dự báo trong nhiều năm tới số lượng NKT sẽ tiếp tục gia tăng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho NKT. Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân và đòi hỏi của xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.

Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT thuộc hộ nghèo, mức trợ cấp xã hội thấp, vẫn còn NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đào tạo nghề, việc làm...

Cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH đã bố trí ngân sách cho dạy nghề, gắn với tạo việc làm cho NKT trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giao cho các đơn vị liên quan khảo sát nhu cầu học nghề của NKT và cơ sở dạy nghề cho NKT.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng danh mục nghề phù hợp với các dạng tật của NKT; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn học nghề cho NKT; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho NKT và giáo viên dạy NKT; rà soát cơ chế dạy nghề linh động hơn, có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, bao gồm đặt hàng để doanh nghiệp, cá nhân dạy nghề cho NKT nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT.

Năm 2017, cả nước có khoảng 20 nghìn NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm theo chính sách của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Hình thức đào tạo chủ yếu là vừa làm vừa học, kèm cặp truyền nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...