Đẩy mạnh đào tạo nghề vùng trung du, miền núi Bắc Bộ

GD&TĐ - Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), vùng trung du, miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh và 21 huyện phía Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An; là địa bàn còn nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng gần biên giới, có tới 45/63 huyện nghèo nhất cả nước. 

Đẩy mạnh đào tạo nghề vùng trung du, miền núi Bắc Bộ

Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, nâng cao chất lượng nguồn lực vùng, thì đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm được coi là một giải pháp hữu hiệu và quan trọng nhất hiện nay.

Nhiều kết quả tích cực

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - cho biết: Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề trong vùng trung du, miền núi Bắc đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đã sửa đổi, ban hành mới nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong vùng học nghề. Từ khi triển khai Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 và thực hiện Quyết định số 1379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực của vùng đã được các cấp, các ngành quan tâm và thu hút người lao động tham gia.

Đào tạo nhân lực trình độ cao bước đầu có kết quả; xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo như dạy nghề tại doanh nghiệp, tại khu công nghiệp, liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp…

Đã có khoảng 20% LĐNT chuyển đổi nghề nghiệp để làm công nhân, làm chủ các xưởng sản xuất tạo việc làm cho lao động khác hoặc sản xuất hàng hóa để cung cấp cho các doanh nghiệp…

Kết quả, hiệu quả công tác đào tạo nghề của vùng đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo của các địa phương trong vùng...

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên công tác đào tạo nghề của vùng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như: Một số mục tiêu theo Quyết định 1379/QĐ-TTg đến năm 2015 chưa đạt được như về mạng lưới; hầu hết các cơ sở đào tạo nghề gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh học nghề, một số cơ sở đào tạo tuyển sinh hàng năm không đạt chỉ tiêu.

Trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề mới chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là trình độ sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên. Chưa đạt được chỉ tiêu 15% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề. Đặc biệt chỉ tiêu đào tạo nghề cho người khuyết tật thực hiện rất khó khăn.

Cơ chế chưa phù hợp với đặc thù vùng

Những khó khăn, hạn chế nêu trên được nhận định do điều kiện kinh tế - xã hội, vùng trung du miền núi Bắc Bộ là địa bàn còn nhiều khó khăn về giao thông, kinh tế, nhất là các vùng sâu, vùng xa; nhiều cơ chế chính sách chậm sửa đổi, bổ sung; thiếu hướng dẫn cụ thể và chưa phù hợp với đặc thù của vùng; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, do đó, các địa phương lúng túng trong việc xây kế hoạch, bố trí kinh phí cho đào tạo nghề còn chậm và thấp; khó khăn trong tổ chức thực hiện bố trí cán bộ, sắp xếp lại mạng lưới, tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất... thiếu nguồn lực để thực hiện chính sách, hạn chế về số lượng lao động được hỗ trợ đào tạo.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí cho rằng, khắc phục khó khăn và phát triển công tác đào tạo nghề tại các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, trước hết, đổi mới công tác tuyển sinh, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp, học nghề đến phụ huynh học sinh, người học; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, chủ động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo gắn với việc làm cho người học.

Theo đó, cần đổi mới cả về nội dung, chương trình và phương pháp dạy, phương thức đào tạo nghề để phù hợp với thực tế địa phương, vùng miền và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề về thời gian, kỹ năng, tay nghề cho người học; kết hợp học văn hóa với học nghề; đổi mới cơ chế hoạt động, tự chủ của cơ sở dạy nghề; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học nghề.

Đối với đào tạo nghề cho LĐNT, cần duy trì và phát triển có hiệu quả, không đào tạo chạy theo chỉ tiêu mà theo nhu cầu thực tế; mở lớp đào tạo đúng mục đích, đúng mục tiêu và đảm bảo chất lượng gắn với đầu ra, có việc làm cho người học và được doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng, nâng cao năng suất và thu nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.