Vấn đề việc làm đối với người khuyết tật

GD&TĐ - Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã tổ chức, sáng nay (14/11), tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội, đại diện Hội người khuyết tật (NKT) một số quận, huyện trên địa bàn đã tham gia , đóng góp những ý kiến thiết thực theo chủ đề.

Ông Trịnh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch kiêm trưởng ban việc làm - Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội - nhấn mạnh quyền lao động và được hỗ trợ trong việc làm của người khuyết tật (NKT), đồng thời đưa ra nhận định: “Dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là một nhu cầu rất lớn. Hiện nay NKT được học nghề và có việc làm ổn định còn rất hạn chế. NKT có nhu cầu được hỗ trợ vay vốn và định hướng sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Để làm được điều này, cần trao đổi, rút kinh nghiệm để tạo ra những mô hình tốt và nhân rộng"

Còn theo TS. Phạm Thị Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên - Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), đã có rất nhiều chính sách về đào tạo nghề cho người khuyết tật được ban hành, vấn đề nằm ở khâu triển khai, vận dụng khoa học ở cấp cơ sở mới có thể mang lại hiệu quả.

Đại diện người khuyết tật sử dụng vốn vay hiệu quả, ông Lê Trọng Trung - Hội NKT huyện Đông Anh - phấn khởi chia sẻ thành quả đạt được , đồng thời kiến nghị Ngân hàng chính sách xã hội thành phố tạo điều kiện để cơ sở có thể vay vốn tối đa tương ứng với tài sản thế chấp và quy mô của cơ sở.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội, ông Tạ Văn Tự - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ phát triển - khẳng định, ngân hàng luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ người khuyết tật và hộ gia đình NKT trong khâu hỗ trợ vốn vay, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NKT hòa nhập cộng đồng, cống hiến cho xã hội.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật Người khuyết tật được đánh giá đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và cụ thể hóa trách nhiệm của Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với nhóm người dễ bị tổn thương này. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa các quy định dưới luật nhằm đảm bảo tính hiệu quả thực tiễn của Luật Người khuyết tật trong đời sống xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ