Các hãng hàng không Việt Nam cần được hỗ trợ những gì để vượt đại dịch Covid-19?

GD&TĐ - Các hãng hàng không Việt Nam đang rất nỗ lực vượt khó khăn, trở ngại để đứng vững khi chịu tác động to lớn từ 4 đợt bùng phát dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới sự phát triển của các hãng hàng không.
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới sự phát triển của các hãng hàng không.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giúp ngành hàng không hồi phục là vô cùng quan trọng và cấp thiết, bởi hàng không là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc đẩy sự tăng trưởng, hội nhập kinh tế.

Hàng không Việt Nam nỗ lực vượt khó khăn trong đại dịch Covid-19 

Theo ước tính của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến sản lượng hàng không toàn cầu giảm 66%, các hãng hàng không thế giới bị lỗ 128 tỷ USD (so với mức lãi năm 2019 là 29 tỷ USD). Chính phủ các nước trên thế giới đã tiếp tục khởi động những gói cứu trợ mới cho ngành hàng không, bổ sung cho những gói cứu trợ hiện nay đã lên tới hơn 200 tỷ USD. 

Ngành hàng không các nước được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ của họ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ trên mạng bay với các hãng hàng không nước ta sau khi thị trường hồi phục. Đơn cử, Chính phủ New Zealand đã gia hạn biện pháp hỗ trợ lĩnh vực hàng không đến hết tháng 10 tới, qua đó giúp nước này kết nối với các đối tác thương mại và duy trì các dịch vụ hành khách quốc tế. 

Ở Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động to lớn từ 4 đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Trước đại dịch Covid-19, dòng tiền của Vietjet Air cũng sụt giảm, nguồn lực tài chính chủ yếu là chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính đã tích luỹ trong nhiều năm. 

Năm nay, ước tính Vietjet cần được vay với lãi suất ưu đãi để bù vào khoản tiền 7.000 – 10.000 tỷ đồng phục vụ hoạt động thường xuyên củ hãng này.

Thế nhưng, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ giao thông vận tải về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khôi phục hoạt động vận tải khách nhất là hàng không, các hãng hàng không nội địa đồng loạt giảm giá vé máy bay, tăng chuyến, mở đường bay mới tới các điểm đến du lịch chưa từng có để đáp ứng nhu cầu hành khách. Vietjet Air tung triệu vé giá chỉ 10.000 đồng, thời gian bay được mở rộng đem lại cơ hội cho người dân và du khách đi lại trong năm 2021 với chi phí hợp lý và ưu đãi 15 kg hành lý ký gửi miễn phí dành cho tất cả hành khách...

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Quốc hội đã ban hàng gói hỗ trợ tài chính trong đó có khoản vay ưu đãi có quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm. Nhưng đại diện Vietnam Airlines cho rằng khó khăn với hãng vẫn còn rất lớn do việc phục hồi như trước đại dịch Covid-19 cần 3-4 năm.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng các hãng bay tư nhân cũng gặp khó khăn tương tự và cần được vay ưu đãi như VNA. 

Chính sách hỗ trợ người lao động chịu tác động bất lợi từ dịch bệnh bước đầu có tác động tốt, đã giúp không chỉ người lao động, mà cả các hãng hàng không trong việc giải quyết những khó khăn, vượt qua những thách thức trong quá trình dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng xấu tới sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ cho các hãng hàng không còn tương đối thấp. 

Chờ đợi sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ để phục hồi

Các hãng hàng không Việt Nam đang rất nỗ lực vượt khó khăn, trở ngại nhưng đang chờ đợi sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Từ thực trạng hiện nay và dự báo tình hình năm 2021, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có báo cáo đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 gây ra trong năm 2021. 

Theo đại diện của Vietjet Air, doanh nghiệp hàng không rất cần nguồn lực tài chính để tiếp tục hoạt động vì vậy hãng đề xuất được vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, Vietjet Air kiến nghị xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000 đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2021.

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này. 

Theo các chuyên gia, sự hỗ trợ cụ thể nói trên thực sự cần và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần giảm áp lực, hỗ trợ hàng không Việt Nam hồi phục. “Hiện thực của thế giới cho thấy rằng, sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giúp ngành hàng không hồi phục là vô cùng quan trọng và cấp thiết, bởi hàng không là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế”, Tiến sĩ kinh tế Lê Minh phát biểu.

Một số chuyên gia khác thì đề nghị Chính phủ cần có gói kích thích kinh tế thứ hai để hồi phục, phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành hàng không và du lịch. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.