Điều này đã được tờ báo Hurriyet cho biết sau khi trích dẫn nguồn tin chính phủ. Lộ trình mới liên quan đến sự tham gia tích cực của Ankara vào việc định hình tương lai của nhà nước Syria, chống lại các nhóm vũ trang người Kurd và tạo điều kiện cho hàng triệu người tị nạn trở về.
Ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là hỗ trợ quá trình chuyển đổi nhằm tạo ra một nước Syria mới. Như ấn phẩm lưu ý, chúng ta đang nói về việc hình thành chính quyền chuyển tiếp, được thiết kế để đảm bảo sự ổn định và công bằng.
Cộng hòa Syria mới, theo tầm nhìn của Ankara, sẽ trở thành một quốc gia không có chủ nghĩa cực đoan, nơi nhân quyền sẽ được tôn trọng và sự đại diện bình đẳng của tất cả các sắc tộc trong xã hội sẽ được đảm bảo.
Hướng thứ hai mà Ankara theo đuổi là cuộc chiến chống lại Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), những tổ chức mà nước này coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình.
Hai nhóm trên, như được nhấn mạnh trong nhiều tuyên bố chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu còn tiếp tục hoạt động ở Syria sẽ gây nguy hiểm cho khu vực biên giới của nước này và cần bị loại bỏ.
Nhiệm vụ thứ ba của Ankara là đưa người tị nạn Syria trở về quê hương. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp đón hơn 3,5 triệu công dân Syria kể từ khi bắt đầu xung đột, họ đang tìm cách tạo điều kiện để người tị nạn trở về nhà một cách an toàn.
Bản kế hoạch này bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và cung cấp những dịch vụ xã hội cơ bản ở Syria sau khi xung đột kết thúc.
Những toan tính trên cho thấy mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc củng cố ảnh hưởng tại khu vực và đóng vai trò dẫn đầu trong việc khôi phục Syria.
Ngoài ra việc hỗ trợ cho phe đối lập Syria, và hiện nay là chính phủ điều hành đất nước, vẫn là yếu tố then chốt của chiến lược. Ankara dự định cung cấp hỗ trợ cho đồng minh ở mọi giai đoạn, bao gồm cả khía cạnh chính trị, quân sự và nhân đạo.
Tuy nhiên chính sách như vậy đang gây tranh cãi. Các chuyên gia lưu ý rằng mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ tự coi mình là trung gian hòa giải chính, nhưng hành động của họ lại đang gây lo ngại cho cả cộng đồng người Kurd và các bên quốc tế khác.
Mỹ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chống lại lực lượng người Kurd, coi đây là yếu tố gây bất ổn tình hình khu vực.