Croatia đã chính thức cho ngừng hoạt động máy bay chiến đấu MiG-21, sau khi Romania loại biên MiG-21 LanceR vào năm ngoái, đây là chiếc cuối cùng ở châu Âu còn được một lực lượng không quân sử dụng.
Tiêm kích MiG-21 của Không quân Croatia khác với máy bay của Romania, chúng không được hiện đại hóa theo chương trình Lancer 3, bao gồm những cải tiến về hệ thống điện tử hàng không và liên lạc.
Điều này khiến chúng ở phiên bản "gần như nguyên gốc" mà không nhận được bất cứ cập nhật kỹ thuật quan trọng nào mang tính bước ngoặt.
Tuy nhiên vào tháng 6 năm 2013, có thông báo chính thức rằng việc sửa chữa và hiện đại hóa máy bay sẽ diễn ra tại cơ sở của công ty Ukraine "Ukrspecexport", doanh nghiệp này được cho là sẽ hiện đại hóa 8 máy bay một chỗ và 4 chiếc hai chỗ ngồi.
Do tình trạng kỹ thuật kém, chỉ có 7 chiếc được hiện đại hóa và 5 chiếc khác được Croatia nhận lại từ Ukrspecexport.
Croatia hiện đang trong quá trình tái trang bị lực lượng không quân và đang nhận các máy bay chiến đấu Rafale hiện đại từ công ty Dassault của Pháp, được chuyển giao trực tiếp từ Không quân Pháp.
Tính đến ngày 27 tháng 11 năm 2024, Không quân Croatia đã nhận được chiếc máy bay chiến đấu Rafale thứ 7 từ Pháp, điều này đẩy nhanh việc loại biên MiG-21.
Tiêm kích MiG-21bis được Không quân Croatia sử dụng là máy bay mua lại sau khi Liên bang Nam Tư tan rã. Những chiếc tiêm kích này được giao cho Không quân Nam Tư vào đầu những năm 1980, nơi chúng bổ sung cho phi đội máy bay chiến đấu MiG-21M, MiG-21MF và MiG-21PFM.
Khi bắt đầu giành độc lập, Croatia đã nhận được 3 chiếc MiG-21bis, sau đó họ đã mua thêm 40 máy bay khác. Trong số này, chỉ có 25 chiếc được đưa vào vận hành, trong khi số còn lại được sử dụng làm nguồn cung cấp phụ tùng.