Nguy cơ này càng tăng cao khi tiêu thụ nhiều thịt đỏ hơn. Nghiên cứu trên được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ.
Tác nhân gây ra nhiều bệnh khác
Tác giả thứ nhất của nghiên cứu là Tiến sĩ Xiao Gu của Trường Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan. Ông hy vọng nghiên cứu này có thể giải quyết cuộc tranh luận về việc liệu chúng ta có nên hạn chế ăn thịt đỏ vì lo ngại về sức khỏe hay không. Các tác giả cho biết khoảng 462 triệu người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường loại 2 và tỷ lệ này đang gia tăng nhanh chóng.
Theo ông Xiao Gu, việc phòng ngừa bệnh tiểu đường rất quan trọng vì bản thân căn bệnh này đã là một gánh nặng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nó cũng là nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch, thận, ung thư và chứng mất trí nhớ.
Các tác giả đã nghiên cứu 216.695 người tham gia trong khoảng 36 năm. Những người tham gia báo cáo tình trạng sức khỏe của họ 2 năm/lần thông qua bảng câu hỏi về lượng thức ăn tiêu thụ của họ, đồng thời nhóm này cũng được hỏi 2 - 4 năm/lần về mức tiêu thụ trung bình các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau.
Vào cuối giai đoạn theo dõi, gần 22.800 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và những người ăn nhiều thịt đỏ nhất có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 62% so với những người ăn ít nhất. Ăn nhiều thịt đỏ đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn lần lượt là 51% và 40%.
Các tác giả định nghĩa, thịt đã qua chế biến sẵn bao gồm xúc xích thịt bò hoặc thịt lợn, thịt xông khói, bánh mì kẹp thịt đã qua chế biến. Một khẩu phần tương đương 28 gam thịt xông khói hoặc 45 gam các loại thịt khác.
Thịt chưa qua chế biến sẵn gồm hamburger thông thường, thịt bò, thịt lợn hoặc thịt cừu dùng làm bánh sandwich hoặc món trộn. Bên cạnh đó là thịt lợn, thịt bò hoặc thịt cừu làm món chính. 85 gram thịt lợn, thịt bò hoặc thịt cừu tạo thành một khẩu phần thịt chưa qua chế biến.
Giáo sư Khoa học Dinh dưỡng Alice Lichtenstein tại Đại học Tufts ở Boston (Mỹ) cho biết: “Kết quả của nghiên cứu cực kỳ toàn diện này đã xác nhận hướng dẫn chế độ ăn uống hiện tại nhằm hạn chế ăn thịt đỏ”.
Ngoài ra, việc thay khẩu phần thịt bằng các loại hạt hoặc các loại đậu có thể làm giảm 30% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, trong khi lựa chọn dùng sữa thay thế có thể giảm tỷ lệ này xuống 22%.
Những cá nhân cho biết tiêu thụ thịt đỏ thường xuyên nhất lại có nhiều khả năng ăn ít cá (hoặc) trái cây và ăn nhiều calo hơn, cân nặng nhiều hơn và tham gia ít hoạt động thể chất hơn. Điều này cho thấy, họ có chất lượng chế độ ăn uống tổng thể kém hơn và ít có khả năng thực hiện các hành vi lối sống lành mạnh hơn.
Thay thịt đỏ bằng các loại hạt và đậu có thể giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Ảnh: Getty Images |
Thịt đỏ và bệnh tiểu đường
Gunter Kuhnle là Giáo sư khoa học dinh dưỡng và thực phẩm tại Đại học Reading ở Anh. Ông cho biết nghiên cứu này không chứng minh rằng, ăn thịt đỏ gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, các tác giả cho biết, nhiều yếu tố sinh học có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thịt đỏ và bệnh tiểu đường loại 2.
Thứ nhất, chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ đã được phát hiện là làm giảm độ nhạy insulin và hoạt động của các tế bào beta trong tuyến tụy. Đây là tế bào sản xuất insulin theo cách điều hòa để kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngoài ra, sắt heme - loại sắt có trong thực phẩm động vật - có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, suy giảm chức năng tế bào beta và stress oxy hóa, tình trạng mất cân bằng các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể. Các gốc tự do, các phân tử không ổn định từ các nguồn môi trường như khói thuốc lá hoặc thuốc trừ sâu, có thể gây hại cho tế bào của cơ thể.
Các tác giả cho biết, việc tăng cường sử dụng axit amin glycine, vốn diễn ra tự nhiên trong hầu hết các protein, cũng xuất hiện ở người sau khi ăn thịt đỏ và nó có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu, mỡ thừa trong cơ thể là một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường và việc tiêu thụ thịt đỏ là một trong những yếu tố ăn uống có mối liên hệ lớn nhất với việc tăng cân.
GS Lichtenstein cho biết thêm, việc hạn chế ăn thịt đỏ có thể được thực hiện bằng cách giảm tần suất hoặc giảm khẩu phần ăn. Kết hợp cả 2 thay đổi này là tốt nhất. Theo bà, báo cáo cho thấy sữa, các loại đậu và các loại hạt là những thực phẩm tốt nhất để thay thế thịt đỏ.
Dựa trên những phát hiện này, việc hạn chế tiêu thụ thịt đỏ ở mức khoảng một khẩu phần mỗi tuần được cho là hợp lý đối với những người muốn tối ưu hóa sức khỏe của mình.
Trong khi đó, TS Xiao Gu cho biết, việc chọn nguồn protein từ thực vật cũng sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu, cùng với các lợi ích môi trường khác.
Tiêu thụ thịt đỏ được cho là có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong các nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu mới muốn bổ sung thông tin chi tiết về cách chẩn đoán bệnh tiểu đường và các dấu ấn sinh học bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống trong một thời gian dài.