(GD&TĐ) - Một trong những vấn đề gần đây khiến toàn xã hội quan tâm gần đây đó là tỉ lệ học sinh mắc các bệnh về tâm thần, stress, các rối nhiễu tâm lý, các ca tự tử tập thể gia tăng… Vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhu cầu bức thiết
Cuộc sống hiện nay có rất nhiều vấn đề khiến trẻ em rơi vào trạng thái hoang mang, băn khăn lo lắng. Qua khảo sát của một nhóm các nhà khoa học (khoa Tâm lý giáo dục – ĐH Sư phạm Hà Nội) tại một số trường cho thấy có tới hơn 96% học sinh lo lắng băn khoăn ở những mức độ khác nhau, trong đó 26,4% thường xuyên rất lo lắng trước những vấn đề của cuộc sống. Để giải quyết những khó khăn của mình đa số các em đã chọn cách “âm thầm chịu đựng”. Đây là cách giải quyết không thực sự tích cực vì với những trẻ thần kinh vững vàng, các em có thể nhanh chóng vượt qua trở ngại, thậm chí có thể trở nên cứng rắn hơn. Nhưng với những học sinh có thần kinh yếu, trong hoàn cảnh đặc biệt có thể dẫn đến những hành vi bất lợi hoặc rối nhiễu tâm lý trầm trọng. Các em cũng đã chia sẻ tâm sự với người khác nhưng phần lớn là tâm sự với bạn bè. Tuy nhiên, việc tâm sự với bạn đôi khi chỉ để giải tỏa những căng thẳng tạm thời, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Đôi khi do hiểu biết có hạn, các em có thể định hướng cho nhau sai lầm, dẫn đến những hậu quả không tốt.
HS cần được định hướng trong vấn đề học tập và rèn luyện kỹ năng sống |
Tìm hiểu văn phòng tư vấn học đường tại một số trường học ở Hà Nội cũng cho thấy nhu cầu được tư vấn học đường của học sinh là hoàn toàn có và ngày càng tăng lên đáng kể. Các nội dung tham vấn được học sinh hết sức quan tâm phải kể tới như tham vấn về hướng nghiệp, tình yêu, quan hệ với bạn khác giới, quan hệ với cha mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, về học tập, ứng xử giao tiếp, trao đổi về quan điểm định hướng giá trị trong cuộc sống, về sự phát triển cơ thể...
Cụ thể ở lứa tuổi học sinh THPT, các em tìm đến với phòng tham vấn với mong muốn được cung cấp những thông tin tuyển sinh mới nhất, được tiến hành đánh giá chỉ số trí tuệ thông qua test IQ, đánh giá tính cách, hứng thú thông qua các bài học trắc nghiệm, được tìm hiểu cơ bản các vấn đề nghề nghiệp trong xã hội cũng như nắm bắt được triển vọng phát triển nghề trong tương lai. Các em cũng mong muốn được cung cấp một số nghề để lựa chọn cho mình nghề phù hợp với năng lực tính cách của mình. Đối với học sinh ở lứa tuổi THCS với nét đặc trưng trong tâm lý là các em đang mở rộng quan hệ giao lưu và hướng đến các mối quan hệ bạn bè, chính vì thế các vấn đề liên quan đến tình bạn được học sinh ở lứa tuổi này quan tâm đặc biệt.
Tại Hà Nội, sau một thời gian thử nghiệm xây dựng mô hình phòng tham vấn học đường cho học sinh tại một số trường THPT đã thu hút được một lượng lớn học sinh tới tham vấn. Điều đó có thể khẳng định việc ra đời của phòng tham vấn học đường một mặt đã đáp ứng được nhu cầu cần giúp đỡ, chia sẻ ở các em học sinh, mặt khác nó là điều kiện góp phần tạo ra nhu cầu chính đáng này ở các em.
Thiếu và yếu đến bao giờ?
Trước tiên nói về sự thiếu. Nếu lướt qua các trường học từ thành phố đến nông thôn, từ các trường học được công nhận là trường chuẩn trường tốt đến các trường bình thường... thì hiếm hoi mới tìm được các văn phòng tư vấn học đường đúng nghĩa được đặt trong trường học. Phải chăng sự thiếu vắng các văn phòng tư vấn học đường trong trường học, bên cạnh nguyên nhân chủ quan, đó là sự coi nhẹ chức năng chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh của bản thân các trường còn bởi cả nguyên nhân khách quan là chưa có sự tham gia chỉ đạo, quản lý của các cơ quan chủ quản như: Phòng giáo dục; Sở giáo dục và đào tạo... Chính vì vậy, để làm tốt công tác tham vấn trong nhà trường, cần thiết phải có sự cộng đồng trách nhiệm một cách chặt chẽ từ nhiều phía, từ các lực lượng giáo dục, trong đó có sự ủng hộ của các cơ quan hữu quan...
GV cần động viên, thăm hỏi, quan tâm đến nề nếp sinh hoạt của HS |
Xét về thực trạng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay cũng không mấy khả quan. Theo nhận xét của Trưởng bộ môn Tâm lý học và Giáo dục ứng dụng (Trường ĐHSP TP.Hồ Chí Minh) Nguyễn Bích Hồng thì giáo viên làm tư vấn tâm lý tại trường phổ thông còn ít. Việc thực hiện còn mang tính chất đối phó. Trong khi đó, hoạt động tham vấn có chuyên nghiệp hay không đòi hỏi từ vấn đề nhân sự. Người làm công tác tư vấn nếu không được đào tạo căn bản, tư vấn sẽ không chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy, rất ít trường xây dựng phòng tư vấn học đường có cán bộ tư vấn là những chuyên viên tâm lý. Đa số người đảm trách vai trò này trong các trường học hiện nay là những thầy cô giáo có trình độ, có hiểu biết tốt hơn về tâm lý cũng như các vấn đề của cuộc sống. Có trường lại cử những thầy cô lớn tuổi, có kinh nghiệm, tác phong nhẹ nhàng và gần gữi với học sinh... Cùng một lúc những thầy cô này vừa đảm nhiệm công việc giảng dạy vừa tham gia tư vấn tại nhà trường sẽ dẫn tới sự chồng chéo trong công việc và hạn chế về thời gian phục vụ học sinh. Chính vì thế, để công tác tư vấn học đường đạt hiệu quả cao hơn, học sinh được giúp đỡ nhiều hơn cần phải có được đội ngũ chuyên gia tham vấn được đào tạo chính quy, làm việc dưới sự quản lý và chỉ đạo chặt chẽ của nhà trường.
Cũng qua thông tin chia sẻ từ các trường, hiện nay việc tuyển cán bộ làm tư vấn trong trường học không hề dễ dàng bởi chưa có được những điều kiện cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ phù hợp. Nếu chỉ làm công tác tư vấn thì cán bộ tư vấn chỉ được hưởng mức lương hơn 1 triệu đồng. Như vậy cuộc sống của họ sẽ không được đảm bảo. Còn trả cao hơn như những giáo viên đứng lớp khác thì nhà trường không có kinh phí. Từ thực tế này, nhiều trường mặc dù đã lập được văn phòng tư vấn do chuyên viên tâm lý phụ trách nhưng sau một thời gian ngắn hoạt động lại trở về số không bởi cán bộ tư vấn không thể “trụ vững” công tác tại trường với đồng lương ít ỏi như vậy.
Mặt khác, thiếu cơ sở vật chất nên nhiều trường để phòng tham vấn chung với phòng y tế, thậm chí là phòng nghỉ của giáo viên, phòng ban giám hiệu... Học sinh dù có nhu cầu muốn được tư vấn cũng rất ngần ngại khi phải bước vào những nơi đông đúc như vậy để nhờ thầy cô tư vấn những thắc mắc thầm kín, bí mật của riêng mình.
Nhu cầu thực tế của xã hội chính là điều kiện thuận lợi để công tác tư vấn học đường phát triển. Tuy nhiên, hiện nay các trường học đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác tư vấn học đường vì vừa thiếu nhân lực, cơ sở vật chất vừa yếu về chuyên môn và nội dung hoạt động. Khi nào tư vấn học đường được quan tâm, đầu tư đúng mức? Phải chăng chức năng, tác dụng của tư vấn học đường vẫn bị xem nhẹ hoặc cố tình bỏ qua? Đó là những câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ đối với trẻ từ 5 - 15 tuổi, thì có đến 20% em có vấn đề về sức khỏe tinh thần, 5% cần được chữa trị và từ 1 - 2% là bị nặng. Như vậy, việc có phòng tư vấn ngay tại trường học là hết sức cần thiết. Nếu các vấn đề sức khỏe tinh thần của học sinh không được phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Hiện nay, giá trị sống trong xã hội đang bị biến chuyển, đặc biệt là ở giới trẻ là do các em thiếu sự định hướng rõ ràng. Những vấn đề ở trường học, nổi cộm nhất là vấn đề bạo lực học đường trong những năm gần đây cho thấy công tác tư vấn tâm lý trường học phải thực hiện ngay, không thể chần chừ. |
Ngọc Tùng