Thiếu tướng, nghệ sĩ Trần Gia Cường: "Kẻ lập dị" mê… gốc cây

Thiếu tướng, nghệ sĩ Trần Gia Cường: "Kẻ lập dị" mê… gốc cây

(GD&TĐ) - Hiếm có một cán bộ sĩ quan cấp cao của ngành lực lượng vũ trang là nghệ sĩ, vừa sáng tác nhạc, vừa biến những gốc rễ cây xù xì, bằng bàn tay và khối ốc, tạc thành những tác phẩm nghệ thuật, ấn tượng với công chúng như Thiếu tướng, nhạc sĩ Trần Gia Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Công An. Trong tâm hồn người nghệ sĩ, những rung cảm luôn tràn đầy, anh không ngừng sáng tạo nghệ thuật, góp phần làm thi vị hơn cho cuộc sống.

Cơ duyên đưa anh đến với Dị mộc từ những năm 1972, khi đang là học viên của Trường Trung học An ninh nhân dân tại huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Núi rừng Tam Đảo hùng vĩ đã làm lay động tâm hồn chàng học viên trẻ.  Anh hòa mình vào thiên nhiên. Những ngày ôn thi ngoài rừng, hành quân và lao động, kiếm củi… đã giúp cho anh mê mẩn với những rễ cây sần sùi bị vứt quăng quật giữa đường và biến chúng thành những tác phẩm đầu tay. “Dẫu rằng chỉ là những con thú, con giống xinh xinh, thô mộc, còn đầy ngây ngô và khờ khạo nhưng với tôi thật đáng trân trọng bởi chúng đánh dấu bước đi quan trọng, mở ra một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và kiên trì suốt hơn 40 năm qua”, Thiếu tướng Trần Gia Cường chia sẻ.

Xe còn chở gạo, chở người, hơi đâu mà chở rễ cây ?!

Không thầy đố mày làm lên, anh đã chủ động tìm gặp các nghệ sĩ điêu khắc Cần Thư Công, họa sĩ Trần Khánh Chương, Nguyễn Quân, Thẩm Đức Tụ. Đặc biệt, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nguyên Phó khoa Điêu khắc (Đại học Mỹ thuật Hà Nội), người đã có rất nhiều công đào tạo và giúp anh trưởng thành, có kiến thức về bộ môn mỹ thuật tạo hình này. Những năm đất nước còn khó khăn, khi mọi người phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh thì tranh thủ những lúc rảnh, anh lại chuyên tâm đào, xới, vác trên vai cả chục ki-lô-gam gốc, rễ cây khiến mọi người coi ông như một kẻ lập dị… Khi nhà nhà tranh thủ làm giàu, anh vẫn mải mê, tìm niềm vui bằng những đường vân, khúc gỗ đẹp.

Tôi đồ, bản thân anh, nếu không có bản lĩnh, lòng dũng cảm, kiên trì vượt qua những lời dèm pha, dị nghị của mọi người xung quanh thì đã bỏ cuộc từ lâu. Anh đam mê nghệ thuật gốc rễ đến độ, ngày ấy việc đi lại khó khăn. Việc tài xế nom thấy hình ảnh bụi bặm của anh đón xe bên đường, trên vai gốc và rễ cây, họ nhất định không cho lên xe với lập luận “xe còn chở gạo, chở người, hơi đâu mà chở rễ cây”.

Thiếu tướng, nghệ sĩ Trần Gia Cường
Thiếu tướng, nghệ sĩ Trần Gia Cường
 

Sáng tạo nghệ thuật sống có ích hơn

Các tác phẩm chủ đạo của anh được sáng tác từ nét đẹp lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, thông qua hình ảnh “Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt” oai phong, lẫm liệt mà nho nhã; Tiếng cồng chiêng ở “Âm vang núi rừng”, “Nổi trống lên, rừng núi ơi”, đến nét mộc mạc của “Tiếng đàn quê”, “Trâu”… Hình ảnh Quan Vân Trường trong “Quan Công” hay văn hóa phương Tây trong “Hiệp sĩ và chiến mã”, “Đấu bò Tây Ban Nha”, “Thiên tài vĩ cầm Paganin”… Sự bay bổng, lãng mạn thấm đậm trong “Tung cánh chim”, “Sau ô cửa”, “Rút Gu-lit, huyền thoại bóng đá Hà Lan”…

Mỗi tác phẩm của anh đều lắng sâu rung cảm, hành trình sáng tạo nghệ thuật với dấu ấn đặc sắc. Anh luôn ý thức giữ lại vẻ đẹp tự nhiên, dị biệt và độc đáo của thiên nhiên để lại trên thân cây, những đường gân, thớ gỗ, vốn là sự tinh túy nhất một đời cây còn lại mà không chất liệu nào khác có được... May mắn được chứng kiến những tác phẩm của nghệ sĩ Trần Gia Cường, ông Andrey Kovtun, Đại sứ Liên Bang Nga tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên: “Tôi rất ấn tượng với những tác phẩm của ông Trần Gia Cường. Thông qua những tác phẩm này, chúng tôi được biết thêm về lịch sử, văn hóa, tầm nhìn của người Việt Nam đối với thiên nhiên đất nước”.

Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc của anh tung tẩy, không bị gò bò. Anh chỉ làm những việc mình thích, không bị ràng buộc đời thực níu kéo. Trong những khoảnh khắc thư giãn, yên bình của tâm hồn, rung động nghệ thuật ùa đến, mang cho anh những điều mà lý trí không thể lên tiếng.

Chính sáng tạo nghệ thuật đã đưa anh đi qua những năm tháng khó khăn của cuộc sống một cách nhẹ nhàng, có ích hơn. Giữa những bộn bề tất bật của công việc chuyên môn, bên cạnh cây đàn ghi-ta, anh lại lay búa, tay đục như một cách thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Từ những rễ cây, gốc cây thô mộc hàng trăm năm tuổi, khi sáng tác, anh luôn giữ lại những vẻ đẹp tự nhiên của thiên nhiên, của đường gân, thớ gỗ. Đó là những gì tinh túy nhất mà một đời cây còn lại.

“Tôi đến với nghệ thuật điêu khắc như một sự bổ xung cảm xúc khi những nốt nhạc không thể giúp tôi nói hết những tâm sự của mình. Nghệ thuật điêu khắc thực sự đã đem đến cho tôi một đời sống khác. Việc làm tượng rất vất vả, nhọc nhằn, nhưng nó giúp tôi có được những giây phút thư giãn, yên bình cho riêng mình tâm huyết chỉ với ước mong làm đẹp cho đời, khơi gợi những khao khát tìm tòi, sáng tạo ở lớp trẻ” - anh tâm sự.

Trần Minh Tuấn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.