Thiết bị loại chất thải rắn trong hồ nuôi tôm của nhà khoa học Việt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công thiết bị lọc nước nuôi tôm có thể loại bỏ chất thải rắn trong ao nuôi, tái sử dụng nước, giá rẻ.

Hệ thống lọc nước nuôi tôm ứng dụng ở huyện Cần Giờ (TPHCM).
Hệ thống lọc nước nuôi tôm ứng dụng ở huyện Cần Giờ (TPHCM).

Ô nhiễm nước là nỗi ám ảnh của người nuôi thủy sản. Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công thiết bị lọc nước nuôi tôm có thể loại bỏ chất thải rắn trong ao nuôi, tái sử dụng nước, giá rẻ.

Lọc tạp chất

Các mô hình chăn nuôi thủy sản thâm canh và siêu thâm canh đang được triển khai, đã phát sinh một lượng lớn chất thải rắn lơ lửng trong môi trường. Người nuôi cần phải bổ sung một lượng khoáng chất, hóa chất lớn để tạo môi trường phù hợp cho tôm sinh trưởng với mật độ cao.

Nếu chọn giải pháp thay nước để loại bỏ chất thải thì chi phí phát sinh sẽ rất cao. Ngoài ra, nguồn nước sạch từ sông - biển ngày càng trở nên khan hiếm do ô nhiễm từ công nghiệp và nông nghiệp, cũng trực tiếp mang đến sự rủi ro cho các mô hình nuôi tôm sử dụng nguồn nước tự nhiên để thay thế.

TS Nguyễn Minh Hà, công ty CENINTEC đã thực hiện nhiệm vụ khoa học “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo thiết bị lọc cơ học dạng trống sử dụng trong nuôi tôm nước lợ” vừa được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.

Thiết bị lọc cơ học dạng trống về cơ bản giúp gom tụ chất thải rắn lại với mật độ rất cao so với nước trước khi lọc, qua đó giúp việc áp dụng các phương tiện cô đặc chất thải rắn để xử lý nhằm giảm ô nhiễm môi trường trở nên khả thi hơn.

Việc ứng dụng thiết bị lọc cơ học dạng trống để xử lý chất thải, nước thải trong ao nuôi tôm nước lợ là hoàn toàn mới, ưu việt hơn nhiều so với phương thức thay nước hiện hành. Thiết bị lọc cơ học dạng trống có thể ứng dụng cho các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Điểm khác biệt của hệ thống này là có phần lọc cơ học để loại bỏ vỏ tôm và tôm chết trong nguồn nước.

Lột vỏ là một đặc điểm khác biệt quan trọng trong quá trình sinh trưởng của tôm. Với số lượng nhiều và kích thước nhỏ, tôm chết thường xuyên hơn, đặc biệt là khi lột vỏ. “Với kích thước lớn hơn nhiều so với phân tôm và thức ăn thừa, vỏ tôm và tôm chết cần được loại bỏ ra khỏi nước trước khi được lọc bằng thiết bị lọc cơ học để gia tăng lưu lượng lọc (năng suất lọc) của thiết bị”, TS Nguyễn Minh Hà nhấn mạnh.

Hệ thống có 11 béc phun, trong đó 2 béc phun nằm tại 2 đầu là loại quạt tam giác vuông giúp làm sạch khu vực mép trống lọc. TS Nguyễn Minh Hà cho biết, máy lọc cơ học dạng trống là sản phẩm có thể sử dụng lưới lọc với mắt lưới từ 37µm (mesh 400) đến 105µm (mesh 140) tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Kỹ sư Lê Đình Cẩn, thành viên nhóm thông tin thêm, thiết bị sử dụng nguyên lý lọc cơ học dạng trống được sử dụng rộng rãi trong các đơn vị nghiên cứu và hệ thống nuôi trồng thủy sản trên thế giới.

Thiết bị gồm một trống lọc được bao phủ bởi một tấm lọc mịn với kích thước của các mắt lưới 37µm. Nước thải được đưa vào trống và khi tang trống quay, những hạt có kích thước lớn hơn mắt lưới sẽ được giữ lại trên bề mặt. Hệ thống vòi phun rửa ngược sẽ làm sạch những chất rắn lở lửng ở tấm lọc lưới, chất thải này sau đó được dẫn xuống máng thoát và đưa ra bên ngoài xử lý.

Ở mức tổng quát, thiết bị lọc cơ học dạng trống gồm các thành phần: Cụm khung, cụm truyền động, cụm làm sạch, cụm tang trống, cụm cấp nước và máng thoát chất thải, cụm tủ điện.

Giảm đến 50% lượng nước cần thay trong ao nuôi

Quá trình ứng dụng máy lọc cơ học dạng trống (phiên bản cải tiến) vào thực tế nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tuần hoàn tại huyện Cần Giờ (TPHCM) đã cho thấy, các chỉ tiêu sinh học của nước sau lọc đạt kết quả tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản.

Năng suất lọc của máy đạt tối thiểu 60 m3/h phụ thuộc vào tổng lượng chất rắn lơ lửng (TSS) của nước cần lọc; và chi phí điện năng thực tế trong 1 tháng là 450kW, tương ứng tổng chi phí điện là 615.000 đồng/tháng. Nhóm triển khai khẳng định, giải pháp lọc mới đã giúp giảm 30% - 50% lượng nước thay hằng ngày cho các ao nuôi có thể tích 500 - 1.000m3 nước.

Ngoài ra, các bộ phận xịt rửa bao gồm bơm và các béc phun bằng nhựa hoạt động tốt, lưới lọc sạch; thời gian cần cho hoạt động vệ sinh thiết bị lọc cơ học hằng ngày là 10 phút; công việc được thực hiện dễ dàng và thiết bị lọc cơ học được làm sạch do máng hứng chất thải và các nắp che có thể tháo rời. Đáng chú ý, tuổi thọ của lưới lọc với mắt lưới 37µm là 3,5 tháng với độ mặn của nước là 25ppt; thời gian dừng thiết bị lọc cơ học để thay lưới lọc là 18 - 20 phút.

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ cho biết: Với ao nuôi tròn thể tích 1.000m3, áp dụng cho 30 ngày trước khi thu hoạch. Giả định lượng nước thay giảm 30%, tương ứng 150 m3/ngày, thì ở mức chi phí xử lý 1m3 nước là 3.300 đồng, số tiền tiết kiệm được trong 1 tháng vận hành, sau khi trừ chi phí vận hành, chi phí bảo trì và chi phí khấu hao thiết bị là 10,554 triệu đồng/tháng.

Do đó, với tổng chi phí đầu tư là 90 triệu đồng bao gồm chi phí mua thiết bị, chi phí lắp đặt đường ống, máy bơm… thì thiết bị được hoàn vốn trong chưa đến 9 tháng hoạt động.

“Vì thế, việc triển khai thành công của dự án sẽ tạo ra nguồn cung thiết bị có giá thành rất cạnh tranh, chỉ vào khoảng 30 - 80% giá của các thiết bị ở cùng mức công suất, qua đó tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản dễ dàng nâng cấp, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, đảm bảo chất lượng thành phẩm”, TS Nguyễn Minh Hà nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ