Học trò chế tạo hệ thống xử lý nước nuôi thủy sản

GD&TĐ - Từ những trăn trở trong việc sử dụng hóa chất để xử lý ao nuôi tôm cùng với niềm đam mê khoa học, Thạch Huỳnh Nhật Thành và Nguyễn Đinh Đình Thi (HS lớp 11 chuyên Toán - Hóa, Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh) đã cùng nhau tìm tòi và sáng tạo thành công “Hệ thống đèn UV khử trùng nước cấp ao nuôi thủy sản”.

Thầy Lê Phong Dũ (phải) - Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh cùng em Thạch Huỳnh Nhật Thành và Nguyễn Đinh Đình Thi với hệ thống đèn UV khử trùng nước cấp ao nuôi thủy sản.
Thầy Lê Phong Dũ (phải) - Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh cùng em Thạch Huỳnh Nhật Thành và Nguyễn Đinh Đình Thi với hệ thống đèn UV khử trùng nước cấp ao nuôi thủy sản.

Hình ảnh bao hóa chất xử lí nước cho ao tôm của người cậu đã thật sự gây “ám ảnh” cho em Thạch Huỳnh Nhật Thành (lớp 11 chuyên Toán - Hóa, Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh). Trăn trở này đã thôi thúc em có ý tưởng “làm sao để hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất trong nuôi thủy sản?”; “làm sao để có một thiết bị giúp người dân có thể xử lí nước dễ dàng?”; Liệu có một phương pháp nào thay thế hóa chất mà vẫn bảo đảm được môi trường nuôi thủy sản không?”…

Tất cả những điều này cộng với niềm đam mê khoa học đã thôi thúc em Thạch Huỳnh Nhật Thành và Nguyễn Đinh Đình Thi cùng nhau tìm tòi và sáng tạo.

Trong nuôi trồng thủy sản, việc xử lý nước cấp, vi sinh vật gây bệnh và sự phát triển của các loài tảo không mong muốn cứ lặp đi lặp lại mỗi vụ. Vì thế, sáng tạo các phương pháp phù hợp để bảo vệ môi trường, tránh tác động xấu đến sức khỏe và kinh tế là nguyện vọng của Thi và Thành.

Hai em ấp ủ ước mơ chế tạo từ 2 năm trước và đã ứng dụng kiến thức toán học, vật lý, sinh học và hóa học để nghiên cứu thiết lập hệ thống nước đầu nguồn vào ao nuôi.

Sau nhiều lần thử nghiệm hệ thống đèn UV, Thi và Thành tìm ra thiết kế tốt nhất để đem lại hiệu quả cao nhất, ước lượng được chi phí đầu tư và tuổi thọ (9.000 giờ) của chiếc đèn.

Mô hình mô phỏng hệ thống xử lý nước cấp bằng đèn UV ngoài thực tế có tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng. Nếu mỗi vụ sử dụng bộ đèn 10 ngày cho 2.000m2 (tương đương 2 ao 1.000m2), mỗi năm nuôi 3 vụ. Khi đó, thời gian sử dụng đèn sẽ là 12,5 năm. Như vậy, nếu đầu tư 1 lần có thể sử dụng trên 10 năm, đây là giải pháp tối ưu thay thế các hóa chất gây tổn hại cho môi trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, bảo vệ sức khỏe con người, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.

Đầu tiên, nguồn nước sông được dẫn vào hệ thống lọc thô để loại bỏ các tạp chất và giảm độ đục. Hệ thống lọc thô thường sử dụng là các lưới lọc bằng thép để chặn các tạp chất có kích thước lớn (cành cây, cá tạp…).

Để lọc các tạp chất nhỏ hơn và giảm độ đục có thể sử dụng hệ thống lọc ly tâm do đáp ứng được công suất lớn. Sau đó, nước được máy bơm dẫn vào hệ thống diệt khuẩn bằng đèn UV. Với hệ thống đèn UV với công suất lớn sẽ loại bỏ toàn bộ các mầm bệnh, vi sinh vật, rong tảo và các động vật nguyên sinh. Do đó, nước sau khi xử lý sẽ đáp ứng được nhu cầu cho nuôi thủy sản.

Kết quả xử lý chứng minh khả năng diệt virus của hệ thống đèn UV và phương pháp hóa chất là như nhau.

Thầy Lê Phong Dũ - Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm Trà Vinh, cho biết: Thiết kế này là một trong những phương pháp sử dụng công nghệ xanh mang đến những lợi ích to lớn cho môi trường.

Về kinh tế thì vật tư dễ tìm, có sẵn ở mọi nơi, giá thành thấp, đầu tư một lần có thể sử dụng trong một thời gian dài.

Về con người, có thể giúp đỡ cho người nuôi thủy sản tiếp cận với công nghệ tương lai, ngăn ngừa hóa chất gây hại, đảm bảo an toàn thực phẩm bắt đầu ngay từ giai đoạn xử lí nước, tiết kiệm lượng lớn tiền đầu tư.

Về môi trường thì không sử dụng các hóa chất độc hại, bảo vệ môi trường khỏi các tác động tiêu cực của hóa chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ