Thiết bị chống muỗi… được mùa

GD&TĐ - Số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh từng ngày tại Hà Nội khiến các bậc phụ huynh đứng ngồi không yên. Hiện, thành phố đã huy động mọi lực lượng để phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất tiếp đón, điều trị bệnh nhân. 

Nhiều gia đình bỏ ra không ít tiền đầu tư hệ thống cửa lưới chống muỗi trong mùa dịch SXH
Nhiều gia đình bỏ ra không ít tiền đầu tư hệ thống cửa lưới chống muỗi trong mùa dịch SXH

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhiều phụ huynh cũng tìm mọi cách bảo vệ bản thân và gia đình, nhất là trẻ nhỏ.

Truy tìm tác nhân truyền bệnh

Số liệu của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, chỉ trong 1 tuần (6 - 13/8), Hà Nội ghi nhận thêm 3,5 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân tập trung nhiều ở quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông… Như vậy, tính đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội chạm ngưỡng những năm đỉnh dịch (16.000 ca năm 2009 và 15,5 ngàn ca năm 2015).

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, dịch còn kéo dài đến tháng 11 và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 nên chắc chắn số bệnh nhân mắc sẽ không ngừng gia tăng.

Trước thực trạng dịch ngày càng lan rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Hà Nội dồn tổng lực cho công tác phòng chống dịch. Theo đó, cần triển khai chiến dịch phun muỗi trên diện rộng ở trường học, bệnh viện, trạm y tế xã, phòng khám khu vực, nhà trọ, lán công trình xây dựng và khu nhà bỏ hoang… Trước mắt, Bộ Y tế đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất diệt muỗi.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nguyễn Nhật Cảm, hiện có 21 địa phương lân cận cho Hà Nội mượn máy phun thuốc các loại. Hiện Hà Nội huy động lực lượng bộ đội, dân phòng tham gia chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi. Việc phun hóa chất được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu, từ điểm có dịch đến vùng lân cận vào ban ngày và cả ban đêm.

Ông Cảm cho biết: Ban ngày sẽ sử dụng máy phun nhỏ để vào từng ngõ ngách và các hộ gia đình. Trước khi phun có thông báo để người già, trẻ nhỏ tạm di tản nhằm đảm bảo sức khỏe. Những người ở lại được khuyến cáo đeo khẩu trang để hạn chế việc hít phải hóa chất.

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống trong nhà. Chúng nấp sau tủ, sau ri đô che cửa, dưới gầm giường, chỗ treo quần áo. Như vậy, phải phun thuốc muỗi trong và ngoài nhà mới diệt được muỗi triệt để.

Phòng bệnh: Mỗi người một kiểu

Ra quân rầm rộ nhưng các chuyên gia dịch tễ thừa nhận không thể dập dịch hoàn toàn bởi muỗi có mặt ở khắp mọi nơi, đòi hỏi việc phòng chống dịch phải đồng bộ từ bên ngoài môi trường vào đến từng nhà dân.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Một con muỗi cái có thể đẻ đến 200 trứng, đẻ ra 200 loăng quăng, bọ gậy rồi phát triển thành muỗi. Nên nếu chỉ diệt muỗi trưởng thành này mà không diệt cả loăng quăng thì như ném đá ao bèo. Do vậy, một con muỗi hay một ổ loăng quăng trong gia đình đồng nghĩa với nguy cơ bùng phát dịch.

Lực lượng phòng chống dịch có mặt khắp mọi nơi, số người mắc và tử vong do sốt xuất huyết liên tục được cập nhật đã có những tác động không nhỏ tới người dân. Lúc này, nhiều gia đình tìm mọi cách bảo vệ các thành viên trong gia đình.

Chị Nguyễn Thu Liên (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Nhà có con nhỏ, lại ở khu vực có dịch nên ngoài việc thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, chị mua đèn bắt muỗi cho từng phòng, vợt bắt muỗi, chị còn trồng thêm mấy chậu sả ở ban công để xua muỗi. Tương tự, công việc đầu tiên vào mỗi sáng của chị Đỗ Thị Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) là đun nồi nước lá sả, vỏ bưởi để đuổi muỗi.

Tiếp đó cho tinh dầu sả chanh vào bình phun sương với hy vọng em bé ở nhà… an toàn trước sự tấn công của muỗi. Còn chị Phùng Thu Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhờ người thân ở nước ngoài mua thuốc bôi chống muỗi cho bé lớn và vòng đeo chống muỗi cho bé 2 tuổi ở nhà.

Nắm bắt được nỗi sợ muỗi của người dân, nhiều cửa hàng, trang web tung ra các sản phẩm chống muỗi, từ bình xịt, kem bôi và loại được nhiều bà mẹ quan tâm nhất là vòng đeo cho em bé. Theo lời quảng cáo, những sản phẩm trên an toàn với trẻ bởi chúng được làm từ silicone, bên trong chứa tinh dầu hoa cúc, bạc hà hoặc sả chanh có mùi dễ chịu, không gây dị ứng mà đuổi được muỗi trong suốt 24 giờ.

Có thể nói, tác dụng của thiết bị đuổi muỗi đến đâu chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên chọn sản phẩm có uy tín. Còn biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh, mắc màn khi ngủ và đảm bảo không có muỗi, không có nước đọng, không có loăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết và nhiều bệnh liên quan đến muỗi khác.

- Phun hóa chất chỉ là giải pháp diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh ngay tại thời điểm đó. Hiện nay, phương pháp phun chủ yếu là phun khí dung, chỉ tồn tại và tiêu diệt được 2 - 3 tiếng nên có tình trạng hôm sau vẫn xuất hiện muỗi truyền bệnh. Điều này chứng tỏ khu vực đó có ổ bọ gậy và chúng nở thành muỗi.

- Biện pháp phòng bệnh triệt để nhất vẫn là diệt bọ gậy và giữ vệ sinh môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ