TPHCM: Không để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát

GD&TĐ -Chiều 16/8, UBND TPHCM đã có cuộc họp với các quận, huyện, ban ngành, đoàn thể về tình hình phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Dọn phế thải, diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết
Dọn phế thải, diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết

Hơn 12.000 ca sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu năm 2017 đến hết ngày 11/8, số ca sốt xuất huyết cộng dồn là hơn 12.200 ca, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016.

Đã có 18/24 quận, huyện có ca sốt xuất nhập viện tăng so với  cùng kỳ năm 2016, trong đó quận 12 tăng 133%, Cần Giờ tăng 125%, Hóc Môn tăng 83%, Bình Tân tăng 64%. Toàn thành phố đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Đã có 100% phường, xã ứng dụng GIS trong xác định vị trí ca bệnh và thời gian xuất hiện ca bệnh bằng những màu khác nhau. Thành lập 3 đoàn kiểm tra giám sát quận, huyện trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, mặc dù đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống nhưng vẫn còn những hạn chế trong giám sát phòng chống dịch tại phường xã như: Điều tra xử lý ổ dịch còn sót ca bệnh (nhất là ca ngoại trú) do đó phạm vi xử lý chưa phủ hết ổ dịch.

Các đại biểu tham dự cuộc họp nghe báo cáo của Trung Tâm Y tế dự phòng TPHCM
Các đại biểu tham dự cuộc họp nghe báo cáo của Trung Tâm Y tế dự phòng TPHCM

Việc truyền thông nguy cơ trong từng ổ dịch cụ thể chưa được triển khai đầy đủ, việc thông báo cho người dân về thời điểm phun hóa chất chưa đến được hết các hộ dân vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến sự hợp tác không đầy đủ, ảnh hưởng đến chất lượng xử lý ổ dịch.

Nhiều điểm nguy cơ (kể cả trong ổ dịch) chưa được giám sát và quản lý đầy đủ. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã xử phạt 103/306 trường hợp (theo Nghị định 176 của Chính phủ).

Một số giải pháp phòng chống sốt xuất huyết 

Tại đây, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng cũng đưa ra một số giải pháp để phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới:

Chỉ đạo 24 Trung tâm Y tế quận, huyện củng cố hoạt động của đội diệt lăng quăng tất cả các khu phố, ấp; thường xuyên giám sát hỗ trợ 100% trạm y tế  về công tác phòng chống dịch bệnh và báo cáo lãnh đạo các cấp…

Triển khai Kế hoạch liên tịch giữa Sở Y tế- Sở Tài nguyên và Môi trường và Thành đoàn TP về kiểm soát điểm nguy cơ nơi công cộng, đất trống, khu quy hoạch... và chiến dịch diệt lăng quăng tại các địa phương.

Phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tuyên truyền tại các trường học, cơ sở GD các biện pháp phòng chống bệnh lây nhiễm, đặc biệt là sốt xuất huyết, huy động thầy cô giáo, HS tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, bỏ lăng quăng tại các vật chứa nước ngay tại nhà, khu vực trường học;

Triền khai mô hình cộng tác viên trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết sau khi được UBND TP thông qua đề án;

Phối hợp Sở Thông tin truyền thông triển khai các hoạt động truyền thông vận động người dân thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi trong từng hộ gia đình. ..

Công đoàn ngành Y tế phát động phong trào phòng chống sốt xuất huyết trong bệnh viện gồm diệt muỗi-diệt lăng quăng trong bệnh viện, mỗi nhân viên y tế là một tuyên truyền viên phòng chống sốt xuất huyết tại cơ sở y tế và tại nơi sinh sống.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBDN TPHCM cho rằng, dịch bệnh tăng tại một số địa phương, quận huyện ngoài yếu tố khách quan còn có yếu tố chủ quan khi hàng loạt bãi rác, phế thải vẫn tồn tại trên các địa bàn. So với Hà Nội, số ca mắc tăng tại TP.HCM thấp hơn nhưng so với năm 2016, tổng ca mắc vẫn cao hơn nên thành phố và các quận huyện không được chủ quan.

Bà Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, mặc dù số ca mắc đang diễn tiến theo chiều ngang nhưng nếu không phòng chống tốt, số ca mắc sẽ tăng nhanh. TPHCM phải cố gắng không được để bùng phát thành dịch, nhất là trong thời điểm sắp diễn ra Hội nghị APEC. Đồng thời, Chủ tịch UBDN quận huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra tình trạng dịch bệnh lan nhanh không kiểm soát được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ