Tựu trường mùa dịch: Canh cánh nỗi lo

GD&TĐ - HS trở lại lớp mang theo bao câu chuyện, niềm vui và sự háo hức được gặp lại bạn bè sau hơn 2 tháng nghỉ hè. Ngược lại, nhà trường, thầy cô và cả cha mẹ lại canh cánh nỗi lo bởi dịch sốt xuất huyết đang gõ cửa từng nhà. Chỉ cần sơ sẩy một chút là các em mắc bệnh và trong môi trường học tập tập trung, nguy cơ bùng phát là rất lớn.

Tựu trường mùa dịch: Canh cánh nỗi lo

Dịch vẫn tiếp diễn phức tạp

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính đến thời điểm này, cả nước ghi nhận trên 85,5 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 24 trường hợp tử vong. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 33,5%. Số mắc vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam (57%), miền Trung (16,8%), ở miền Bắc có tỷ lệ mắc thấp hơn (21,9%). Tuy nhiên, dịch bệnh gia tăng cục bộ tại một số địa phương như Hà Nội (số mắc tuyệt đối của Hà Nội đứng thứ 2 trong cả nước).

Tại TPHCM, từ đầu năm đến ngày 10/8, TPHCM có 12.200 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Liên tục trong 7 tuần qua, tại TPHCM số ca mắc không gia tăng, hiện nay đang có dấu hiệu chững lại, tuần gần nhất chỉ có 466 ca. Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, thường dịch đến chậm hơn các tỉnh thành khác khoảng một tháng. Khi bệnh ở các nơi khác gia tăng, số người mắc bệnh tập trung về TPHCM điều trị sẽ dễ làm cho nguồn bệnh lây lan.

Ngược lại, Hà Nội đang là tâm điểm của bệnh dịch này. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp dự phòng, dập dịch nhưng số người mắc bệnh vẫn tăng chóng mặt. Toàn thành phố ghi nhận gần 14.000 ca mắc, 7 người tử vong. So với năm 2016, số mắc tăng gấp nhiều lần. Số bệnh nhân nhập viện điều trị chiếm 12% trong tổng số ca mắc. Type lưu hành chủ yếu tại đây là D1, D2 và D4.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết: Thành phố đã ghi nhận trên 1,5 ngàn ổ dịch tại 25/30 quận huyện khiến 3.580 người mắc bệnh. 77% là ổ dịch nhỏ với 1 - 2 bệnh nhân nhưng cũng có ổ dịch lớn với trên 10 người mắc cùng lúc. Hiện tại, quận Đống Đa dẫn đầu thành phố với 2.548 người mắc, tiếp đến là Hoàng Mai (2.483 người mắc) và Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông…

Gia tăng nguy cơ lây nhiễm

Cũng theo ông Hạnh, hiện Hà Nội còn 285 ổ dịch chưa kết thúc. Bên cạnh đó, tác nhân gây bệnh những năm trước chủ yếu là type D1, D2 nay ghi nhận thêm type D4. Như vậy sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát thêm số trường hợp mắc bởi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng chưa có hoặc không cao.

Hiện Hà Nội đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết lại diễn biến thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển. Đây cũng là lúc HS các bậc học bắt đầu tựu trường càng khiến chuyên gia dịch tễ lo ngại về khả năng bùng phát dịch.

Để phòng chống dịch, ngay từ đầu tháng 8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường triển khai nhiều biện pháp (vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng…) bởi chỉ cần 1 HS mắc bệnh đến lớp đem theo nguy cơ lây lan rất lớn so với việc các em mắc bệnh nhưng vẫn ở nhà.

Theo thông báo của các trường trên địa bàn quận Hà Đông, trước khi đón HS trở lại lớp, nhà trường đã phun thuốc diệt muỗi nhưng để hạn chế nguy cơ bị muỗi đốt, các trường vẫn khuyến cáo phụ huynh chuẩn bị cho con 1 lọ thuốc xịt hoặc kem xoa. Các trường học cũng khuyến cáo phụ huynh: Khi con có biểu hiện mệt mỏi, sốt, buồn nôn… nên cho con nghỉ ở nhà theo dõi hoặc đến cơ sở y tế khám và điều trị…

Nỗ lực phòng chống dịch của các trường là cần thiết và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với gần 300 ổ dịch sốt xuất huyết có mặt trong cộng đồng, rất khó để khẳng định dịch bệnh có bùng phát và bùng phát trong trường học không bởi sau khi bị muỗi mang virus đốt, nhiều ngày sau bệnh mới khởi phát.

Không ai dám chắc trong thời gian ủ bệnh, bệnh nhân có bị muỗi đốt hay không. Nói vậy để thấy một người được chẩn đoán bị sốt xuất huyết thì có rất nhiều người bị nhiễm virus nhưng không có triệu chứng nên không biết ổ dịch nằm ở đâu để bao vây, tiêu diệt.

Khi HS tựu trường và sinh viên các nơi về nhập học sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bởi các em chưa có miễn dịch; Cách bảo vệ tốt nhất là dọn sạch nơi có nước đọng lại sau mưa, nước trữ trong nhà (lọ hoa, bình thủy sinh, chai lọ…) và tích cực diệt muỗi trong nhà, xoa chất chống muỗi, nằm màn, tránh cho trẻ bị muỗi đốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.