Nhưng cũng có nhiều trường hợp khác, buộc phải nghỉ việc vì không trúng tuyển dù thời gian công tác đã vài chục năm.
Tìm việc ở tuổi 40
Sau kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam năm 2021 có kết quả, chị Trần Thị Hồ Vinh không còn là nhân viên văn thư của Trường THCS Nguyễn Huệ (thành phố Tam Kỳ) nữa. Không trúng tuyển cũng đồng nghĩa là hợp đồng lao động không xác định thời hạn của chị cũng bị chấm dứt.
Thầy Trần Hữu Dũng – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trường hợp của cô Vinh, nhà trường rất tiếc và cũng không biết phải giúp đỡ thế nào. Chúng tôi vẫn mong muốn với những hạn chế về sức khỏe do bị khuyết tật ở chân, cô Vinh sẽ được đặc cách tuyển dụng. Thời gian công tác tại trường của cô Vinh cũng đã 15 năm. Giờ tìm việc làm mới cũng không dễ dàng gì”.
Chị Hồ Vinh chia sẻ: “Tạm thời, tôi được Trường THCS Nguyễn Huệ ký hợp đồng ngắn hạn ở vị trí nhân viên phòng thiết bị. Tuy nhiên, công việc này cũng sẽ không ổn định. Hiện, nhà trường đang thiếu giáo viên đứng lớp nên không thể bố trí thầy, cô nào kiêm nhiệm được nên tôi mới được tiếp tục làm việc tại trường cho đến hết năm học. Sau đó thì nói thật là tôi chưa biết sẽ tìm việc làm mới như thế nào”. Vì là hợp đồng ngắn hạn nên chị Vinh chỉ được nhận lương theo mức lương tối thiểu vùng, không có phụ cấp như trước đây nữa. Thu nhập theo đó cũng giảm đáng kể.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, chị Vinh được nhận vào làm nhân viên thư viện tại Trường THCS Nguyễn Huệ từ năm 2005. Đến năm 2014, chị Vinh được UBND TP Tam Kỳ ký hợp đồng không xác định thời hạn. “Trong hồ sơ lao động, tôi đều nộp bằng tốt nghiệp đại học và cũng không được thông báo là bằng cấp chuyên môn không phù hợp với vị trí việc làm” – chị Vinh cho biết.
Cuối năm 2014, UBND thành phố Tam Kỳ có tổ chức xét đặc cách cho giáo viên, nhân viên hợp đồng đang công tác tại các trường. Thời điểm đó, trong số những nhân viên này có người thiếu một tháng hay có người thiếu vài tháng thời gian đóng bảo hiểm, thiếu một số bằng cấp chờ bổ sung nên không được xét. Chị Vinh nằm trong số này vì đang theo học nghiệp vụ văn thư – lưu trữ nên chưa có bằng tốt nghiệp. Đến năm 2016 và năm 2010, UBND thành phố Tam Kỳ chỉ xét đặc cách cho giáo viên, còn nhân viên trường học, trong đó có văn thư như chị Vinh thì không được.
Trong số 29 nhân viên đang hợp đồng tại các trường học của Núi Thành, chỉ có 2 trường hợp trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam năm 2021. Sau khi chấm dứt hợp đồng, hầu hết họ đều chưa tìm được công việc mới.
Làm “người Nhà nước”
Dù công tác tại Trường THCS Nguyễn Du (thành phố Tam Kỳ) khá lâu, nhưng bắt đầu từ tháng 2/2022, chị Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1985) – nhân viên văn thư Trường THCS Nguyễn Du mới chính thức có mã viên chức.
“Lương và các quyền lợi khác không khác gì trước đây vì thâm niên công tác được tính luôn cả thời gian lao động hợp đồng. Tuy nhiên, chúng tôi yên tâm công tác hơn sau khi trúng tuyển viên chức. Không trúng tuyển, cũng đồng nghĩa với việc phải đi tìm việc làm mới. Dù có kinh nghiệm công tác, nhưng có tuổi rồi nên sức học của chúng tôi cũng hạn chế phần nào. Nhưng nếu không đỗ thì nói thực ở độ tuổi này, chúng tôi ra ngoài kia cũng khó kiếm được việc nên phải nỗ lực ôn tập” - chị Thảo cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thảo không phải là người lớn tuổi nhất trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam năm 2021. Nếu không tham gia kỳ thi này hoặc không đủ điểm trúng tuyển thì các nhân viên hợp đồng tại các cơ quan Nhà nước sẽ buộc phải nghỉ việc. Sau khoảng 10 năm không tổ chức tuyển dụng cho vị trí nhân viên trường học, số lao động hợp đồng ở các trường học ở Quảng Nam là khá nhiều. Vì vậy, có những người nhận quyết định trúng tuyển viên chức khi gần ngấp nghé tuổi nghỉ hưu.
Như trường hợp của cô Nguyễn Thị Trang – nhân viên thư viện Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm nay 52 tuổi, theo như quy định mới thì thời gian công tác của cô Trang chỉ còn 3 năm nữa. Nếu tính theo quy định trước đây thì chỉ còn chưa đầy 1,5 năm nữa, cô Trang sẽ nhận sổ hưu. Chính vì vậy, ngày nhận quyết định tuyển dụng, thủ thư Nguyễn Thị Trang cho biết tâm trạng của mình không khỏi ngậm ngùi, đan xen vui buồn lẫn lộn.
Cô Đặng Thị Lan Anh – nhân viên Trường THPT Lương Thúc Kỳ (huyện Đại Lộc) nhận được quyết định trúng tuyển viên chức sau 24 năm làm hợp đồng. Vào làm thủ quỹ tại đây khi trường còn theo mô hình trường bán công, cô chưa một lần nằm trong danh sách viên chức. Do thiếu người làm nên cô được đưa vào làm nhân viên thư viện. Ngoài bằng trung cấp kế toán, cô Lan Anh còn học thêm nghiệp vụ văn thư lưu trữ. Năm 2016, Quảng Nam xét đặc cách một số vị trí việc làm cho nhân viên trường học nhưng hồ sơ của cô không đủ tiêu chuẩn.
“Nhưng kỳ thi này là cơ hội cuối cùng của mình. Còn 2 năm nữa là tôi đủ tuổi về hưu. Nếu không đỗ thì phải bàn giao công việc và nghỉ làm. Nên tôi cố cày ngày cày đêm để học thi. Nó cũng là danh dự của mình. Nhưng nhận quyết định tuyển dụng mà nói thật là ngậm ngùi. Cuối đời, mình cũng trở thành “người Nhà nước” - cô Lan Anh nói.
Trước kỳ thi tuyển dụng này, rất nhiều nhân viên trường học tại các địa phương của Quảng Nam ở các vị trí như thư viện, văn thư, thủ quỹ… đã có đơn trình bày nguyện vọng được đặc cách xét tuyển hoặc tổ chức một kỳ thi riêng cho họ. Tuy nhiên, đại diện Sở Nội vụ cho biết, theo quy định thì nhân viên trường học không thuộc diện được xét đặc cách mà phải tiến hành thi tuyển theo quy định.
Trước đây, trên cơ sở đề nghị của các ngành chức năng, Quảng Nam đã tiến hành xét đặc cách cho các giáo viên có hợp đồng từ trước năm 2015 và có đóng bảo hiểm. Với các nhân viên trường học thì không có chủ trương xét đặc cách. Do đó, các nhân viên này muốn tiếp tục được tuyển dụng thì phải qua thi tuyển công khai như các thí sinh khác và không có bất cứ ưu tiên nào.