Mở lớp dạy học chữ Thái cho các học viên
Hàng tuần, cứ vào các buổi chiều ngày thứ 5, thứ 6, các học viên tham gia lớp học chữ dân tộc Thái tại xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên lại tập trung tại nhà văn hóa xã tham gia lớp học khá đông đủ. Lớp học có 36 học viên, là Bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng, phó các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội của xã và các bản trên địa bàn xã.
Chị Lừ Thị Hiểu, học viên lớp học chữ dân tộc Thái tại xã Mường Khoa, cho biết: “Dù bận việc công việc nương rẫy, nhưng tôi vẫn tham gia học lớp chữ Thái này. Tôi là người con của dân tộc Thái đen nên cũng phải giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Giờ tôi đã biết viết chữ Thái như viết Tiếng Việt. Tôi sẽ truyền dạy cho con cháu sau này”.
Trong lớp học, trên bàn mỗi học viên đều đầy đủ dụng cụ học tập như: Bút, vở, tập tài liệu bảng chữ cái dân tộc Thái. Trên bục giảng, thầy giáo viết chữ cái mẫu đến đâu, dưới lớp học viên viết chữ vào vở đến đó. Lớp học càng trở nên sôi nổi, vui tươi hơn khi tiếng thầy đọc trước, học viên đồng thanh đọc theo sau. Trước khi vào buổi học mới, thầy giáo đều ôn lại hoặc kiểm tra những từ đã học ở buổi học trước để giúp học viên nắm chắc và ghi nhớ lâu hơn.
Ông Hà Văn Sơn, học viên lớp học chữ dân tộc Thái tại xã Mường Khoa chia sẻ: Tôi tham gia học lớp học chữ Thái. Lần đầu viết chữ Thái, tôi rất khó khăn nhưng qua 1-2 buổi học thì cũng dần viết được chữ Thái và ghép vần được. Tuy nhiên, tôi chưa đọc nhuần nhuyễn được. Tôi sẽ cố gắng học chữ Thái thành thạo để viết được chữ, đọc tiếng Thái của dân tộc mình”.
Đây là lớp học chữ Thái đầu tiên được tổ chức tại xã Mường Khoa. Khóa học này diễn ra trong 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 11/2024), các học viên tham gia lớp học sẽ được học viết 19 cặp chữ Thái, gồm: 19 cặp chữ cái phụ âm “tồ” và 19 nguyên âm “may”, tập đọc, ghép vần; hiểu nghĩa từ, câu; viết các câu vè, thơ… qua sự hướng dẫn của thầy giáo không chuyên nhưng am hiểu và kinh nghiệm dạy chữ dân tộc Thái.
Thầy Quàng Văn Khóa, nguyên là cán bộ xã Mường Khoa, nay là chủ tịch Hội người cao tuổi của xã cho biết: học viết, đọc chữ Thái cần sự kiên trì, đam mê bởi cách phát âm, ghép vần khác nhiều so với tiếng phổ thông. Nếu không ghi nhớ chữ cái thì không thể ghép vần và đọc. Chữ dân tộc Thái được viết liền nhau, không có dấu chấm, dấu phẩy, không viết hoa; một phụ âm có thể kết hợp được với ba nguyên âm để cấu thành 3 từ khác nhau.
“Các chữ cái, các dấu, cách ghép chữ và đánh vần hơi phức tạp so với chữ phổ thông. Có những chữ phải đánh vần từ chữ giữa ra chữ sau mới ra chữ trước, có những câu lại đánh vần từ trước ra sau rồi vào giữa, bởi vậy các học viên theo học phải kiên trì mới nhớ và hiểu được”, thầy Khóa nói.
Trong kho tàng văn hóa của người Thái, chữ viết được coi là di sản kết tinh những giá trị, tinh thần của tổ tiên để lại, là báu vật vô cùng thiêng liêng, thể hiện sự độc lập của người Thái khi có ngôn ngữ, chữ viết, tiếng nói riêng. Hòa chung vào dòng chảy lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay. Hiện nay, chữ viết của dân tộc Thái được lưu giữ trong những sách cổ ghi chép về văn học, lịch sử, tín ngưỡng,… của người Thái. Và chỉ có người già, người am hiểu hay sưu tầm mới biết đọc và hiểu nghĩa.
Ông Lừ Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, cho biết: Đảng bộ xã đã họp, thống nhất để ra Nghị quyết mở lớp học chữ Thái gắn liền với CLB văn hóa và bảo tồn văn hóa của dân tộc Thái xã Mường Khoa. Mục đích của việc mở lớp chữ Thái này, để tuyên truyền cho cán bộ, người dân tiếp tục tham gia học các lớp sau nữa, để truyền dạy cho các lớp thế hệ trẻ sau này biết đọc, biết viết chữ Thái của người Thái”.
Ngày nay với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, chữ dân tộc Thái dần bị mai một. Cùng với việc gìn giữ, bảo tồn nền văn hóa dân tộc Thái, như: Trang phục, nghệ thuật múa xòe; cấp ủy huyện Bắc Yên đã chỉ đạo xã Mường Khoa thành lập, nhân rộng các CLB văn hóa Thái, mô hình xoè Thái,… gắn với việc mở lớp dạy chữ dân tộc Thái.
Việc truyền dạy chữ viết dân tộc Thái không chỉ đơn thuần là học viết, học đọc mà còn học cả kho tàng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái. Vì vậy, những lớp học dạy chữ Thái cần được nhân rộng hơn nữa để tiếng Thái, chữ Thái tồn tại mãi với thời gian, góp phần tạo nên một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Gìn giữ và phát triển chữ Thái…
Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, với 5 nhóm ngữ hệ, gồm: Việt - Mường, Tày - Thái, Ka Đai, Môn - Khơ Me và Mông - Dao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 dân tộc có chữ viết riêng như: Thái, Mông, Dao, Lào. Trong đó, chữ viết của dân tộc Thái phổ biến nhất đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được lưu giữ qua hệ thống trên 1.400 văn bản, tài liệu, sách cổ tại Bảo tàng tỉnh và được nhiều địa phương tổ chức truyền dạy.
Xuyên suốt dòng chảy lịch sử, ngôn ngữ, chữ viết Thái luôn song hành cùng sự hình thành và phát triển của dân tộc Thái, giúp người Thái tiếp thu các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, chuyển tải kinh nghiệm, tri thức trong đời sống lao động sản xuất, là nền tảng tạo nên văn hóa riêng biệt của đồng bào Thái Sơn La.
Trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng hội nhập kinh tế, văn hóa giữa các vùng miền ngày càng mở rộng, tác động đến đời sống của mỗi người dân, công tác bảo tồn giữ gìn ngôn ngữ của người Thái ở Sơn La được đặt ra ngày càng cấp bách. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ do chữ Thái không được thế hệ trẻ quan tâm và chú trọng gìn giữ.
Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cho biết: Ngày nay dân tộc Thái thường cư trú phân tán hoặc sống xen kẽ với người kinh khá nhiều. Trải qua thời gian, dần bị ảnh hưởng bởi văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc kinh và không còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình. Ngoài ra, do sự tác động của cuộc sống hiện đại, những người trẻ biết nói tiếng Thái đang ngày một ít đi, mà chủ yếu sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp. Do vậy, sự mai một, lãng quên tiếng của dân tộc mình là điều khó tránh khỏi.
Theo bà Yến, để bảo tồn và phát huy di sản ngôn ngữ cũng như những giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều đề tài khoa học, chương trình, dự án, như: “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”… Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian trong việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho thế hệ trẻ; khuyến khích thành lập các CLB văn hóa dân tộc; tổ chức thí điểm dạy tiếng Thái tại một số đơn vị, cơ sở giáo dục...
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin tưởng rằng thế hệ trẻ dân tộc Thái sẽ biết đọc, biết viết thành thạo chữ của dân tộc mình, góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa của người Thái. Từ đó, có điều kiện tìm hiểu, nắm rõ hơn về kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú được lưu truyền qua nhiều đời nay; tự tin hát những bài then, bài hát Thái, đọc vè, đồng dao bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình.