Tâm tư trước ngày thi tuyển
Kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2021 của Quảng Nam có 592 chỉ tiêu dành cho nhân viên trường học, bao gồm: Kế toán: 141 chỉ tiêu, văn thư: 132 chỉ tiêu, thư viện: 147, y tế: 91, thiết bị: 40, CNTT: 37 và giáo vụ: 4 chỉ tiêu. Người dự tuyển phải tham gia thi tuyển công khai với 2 vòng. Vòng 1 kiểm tra điều kiện dự tuyển, văn bằng, chứng chỉ; vòng 2 thi viết chuyên môn, nghiệp vụ với nội dung kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm.
Vào làm hợp đồng với vị trí nhân viên văn thư tại một trường THCS thuộc TP Tam Kỳ (Quảng Nam), chị Trần Thị Hồ Vinh có 15 năm công tác. Từ tháng 2/2005 đến năm 2014, chị Vinh ký hợp đồng ngắn hạn. Đến năm 2014, UBND TP Tam Kỳ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Vượt qua những trở ngại về sức khỏe do bản thân là người khuyết tật, chị Vinh cho biết, mình luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền chị Vinh đạt danh hiệu lao động tiên tiến của thành phố.
Cuối năm 2014, UBND TP Tam Kỳ có tổ chức xét đặc cách cho GV, nhân viên hợp đồng đang công tác tại các trường. Thời điểm đó, trong số những nhân viên này có người thiếu một tháng hay có người thiếu vài tháng thời gian đóng bảo hiểm, thiếu một số bằng cấp chờ bổ sung nên không được xét. Chị Vinh cũng nằm trong số này.
Chị Vinh không khỏi lo lắng: “Giờ những nhân viên hợp đồng, gồm cả kế toán, thủ quỹ, văn thư như chúng tôi muốn tiếp tục công việc thì phải thi tuyển viên chức. Nếu không trúng tuyển thì sẽ chấm dứt hợp đồng. Đúng là chúng tôi có kinh nghiệm thực tế trong chuyên môn. Nhưng bản thân đã có tuổi nên sức học ôn sẽ không bằng các bạn trẻ. Nói thật là đến tuổi này rồi, chúng tôi cũng khó mà tìm được việc làm nếu không trúng tuyển viên chức”.
Các nhân viên trường học huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cũng rất tâm tư: “Nhân viên kế toán hợp đồng chúng tôi đã công tác lâu năm. Có người công tác từ năm 2008 đến nay đã 13 năm. Có người đi xe máy gần 30km đến làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn. Công việc kế toán trong nhà trường đã nhiều (kế toán ngân sách, kế toán bán trú…), chúng tôi còn phải kiêm nhiệm thêm công tác văn thư, kiêm nhiệm cùng lúc kế toán 2 trường nhưng chỉ hưởng một khoản lương của một trường, không có khoản phụ cấp nào thêm.
Dù vất vả, áp lực nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành tốt công việc với niềm hy vọng được xét tuyển vào biên chế Nhà nước như các anh chị đi trước để yên tâm công tác, ổn định cuộc sống. Giờ quay lại ôn thi thì thật sự khó khăn. Nếu không trúng tuyển thì việc đã lớn tuổi, ra ngoài xã hội tìm một công việc mới thật sự rất khó khăn đối với huyện miền núi Hiệp Đức”.
Thiệt thòi cho nhân viên trường học?
Sở Nội vụ Quảng Nam đã nhận được nhiều phản ánh cũng như kiến nghị từ các huyện Núi Thành, Hiệp Đức, TP Tam Kỳ… về đề nghị xét đặc cách cho những nhân viên trường học. Tuy nhiên, đại diện Sở Nội vụ cho biết, theo quy định thì nhân viên trường học không thuộc diện được xét đặc cách mà phải tiến hành thi tuyển theo quy định.
Trước đây, trên cơ sở đề nghị của các ngành chức năng, Quảng Nam đã tiến hành xét đặc cách cho các GV có hợp đồng từ trước năm 2015 và có đóng bảo hiểm. Với các nhân viên trường học thì không có chủ trương xét đặc cách. Do đó, các nhân viên này muốn tiếp tục được tuyển dụng thì phải qua thi tuyển công khai như các thí sinh khác và không có bất cứ ưu tiên nào.
Anh Nguyễn Vĩnh Dương, đại diện cho 29 nhân viên trường học tại huyện Núi Thành thắc mắc: “Những nhân viên như chúng tôi và các giáo viên theo diện hợp đồng đều thuộc các trường hợp không được tiếp tục ký hợp đồng làm việc theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Thế nhưng, chúng tôi không hiểu tại sao năm 2019, giáo viên lại được xét đặc cách làm viên chức trong khi nhân viên chúng tôi thì lại không được Trung ương, Chính phủ quan tâm xem xét dù có điều kiện như nhau?”.
Theo như tìm hiểu của anh Nguyễn Vĩnh Dương thì hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 để quy định chi tiết về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó: Bãi bỏ điều kiện xét tuyển viên chức quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018. “Xét điều kiện theo quy định mới như đã nêu phần trên thì nhân viên trường học như chúng tôi hoàn toàn đủ điều kiện để được xét tuyển theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 13, Nghị định 115” – anh Dương cho biết.
Anh Nguyễn Vĩnh Dương cho rằng, giáo viên hay nhân viên trường học đều phải học tập, rèn luyện như nhau, có bằng cấp ngang nhau, cống hiến chung cho giáo dục. “Tại sao Nhà nước chỉ quan tâm đến giáo viên để cho xét đặc cách, tại sao sợ giáo viên thiệt thòi, mất việc mà không dành cho những nhân viên chúng tôi sự quan tâm nào? Chúng tôi cũng thiệt thòi, cũng bế tắc, khó khăn túng quẫn khi mất việc, con cái, gia đình chúng tôi sẽ như thế nào?
Trong thực tế, cùng là hợp đồng nhưng giáo viên được hưởng các chế độ phụ cấp ngoài lương nên thu nhập ổn định. Còn nhân viên chúng tôi thì không được hưởng phụ cấp gì, chỉ lãnh lương theo quy định. Do vậy, cuộc sống rất khó khăn, vất vả, phải mưu sinh thêm để đủ lo cho gia đình, con cái. Có những người là mẹ đơn thân, có cha mẹ già yếu phải phụng dưỡng chăm sóc, tất cả chỉ chờ vào một khoản tiền lương nhân viên ít ỏi của chúng tôi. Tuy vậy, hàng chục năm qua, chúng tôi đều phấn đấu, cống hiến cho ngành Giáo dục của địa phương” – anh Dương bày tỏ.
Do đó, nếu có nhu cầu tuyển dụng đề nghị UBND huyện Núi Thành căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, Thông tư số 6/2020/TTBNV ngày 2/12/2020 của Bộ Nội vụ và Quyết định số 3/2021/QĐ-UBND ngày 5/3/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam để triển khai tổ chức tuyển dụng theo quy định.