Thị trường mỹ thuật Việt: Đang “dậy thì đã gặp Sở Khanh”

GD&TĐ - Thị trường mỹ thuật Việt Nam được ví đang độ “dậy thì”, thế nhưng rủi ro là gặp những kẻ Sở Khanh với nạn tranh giả tràn lan và trở thành “quốc nạn”.

Loạt tranh của Bùi Xuân Phái và Lê Phổ cũng bị làm giả, rao bán tại Pháp.
Loạt tranh của Bùi Xuân Phái và Lê Phổ cũng bị làm giả, rao bán tại Pháp.

Mấy ngày gần đây, hàng loạt nhà nghiên cứu mỹ thuật lên tiếng lật tẩy các tác phẩm hội họa của các danh họa Việt Nam thời kỳ Đông Dương bị làm giả.

Nếu không dẹp được vấn nạn này, giá trị mỹ thuật Việt sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Như trường hợp danh họa Bùi Xuân Phái – từ một họa sĩ có giá cao ngất ngưởng, vì bị làm giả quá nhiều mà giá trị tranh của ông từ đỉnh cao “tuột dốc không phanh”.

Hở ra là bị làm giả

Ấy vậy nhưng mới đây, nhà đấu giá Lynda Trouve (Pháp) thông báo và đưa ra hàng loạt tác phẩm hội họa được cho là của danh họa Bùi Xuân Phái, Lê Phổ và dự kiến đem ra đấu giá trong phiên sắp tới vào ngày 16/10. Tuy nhiên, các tác phẩm này bị phát hiện là giả và yêu cầu nhà đấu giá phải hạ hình ảnh các bức tranh xuống.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết: “Sau khi bạn tôi tại Pháp liên hệ với nhà đấu giá nói về sự bức xúc của chúng ta về những bức tranh giả này. Họ đã đồng ý hạ 3 bức tranh nhái tác phẩm Bùi Xuân Phái, tuy nhiên vẫn để những bức tranh giả khác, kể cả của Lê Phổ. Họ nói rằng, ngay cả những thứ đã duy trì sẽ không được bán, nhưng họ cũng không muốn xúc phạm chủ sở hữu bằng cách thu hồi tất cả”.

Như Báo GD&TĐ đã thông tin, nhà đấu giá Lynda Trouve đưa ra hình ảnh 7 bức tranh giả, trong đó có 6 bức nhái tác phẩm của Bùi Xuân Phái và 1 bức của Lê Phổ. Ngoài hai danh họa này, theo nguồn thông tin từ Pháp thì còn rất nhiều tác phẩm của họa sĩ Việt Nam bị làm giả.

Ngay cả tác phẩm sơn mài “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đang trưng bày trong bảo tàng tại Việt Nam cũng bị làm giả và xuất hiện trên trang đấu giá của nhà Sotheby’s Hong Kong. Táo tợn hơn, họ ghi chú: “Tác phẩm này tương đương bức “Nhà tranh gốc mít” (1958) của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, bảo tàng mua tác phẩm năm 1960, sau khi bức sơn mài đoạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ khẳng định tác phẩm do Sotheby’s đấu giá là giả: “Bố tôi không làm bức bình phong nào như vậy. Họ chép lại rồi lấy tên ông gắn vào là không được phép. Bố tôi chỉ sáng tác “Nhà tranh gốc mít”, kích thước 67x105 cm, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Gia đình mong muốn nhà đấu giá gỡ tác phẩm hoặc không đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ”, họa sĩ Bình Minh cho biết.

Tác phẩm “Trà đàm” của Mai Trung Thứ bị làm giả.
Tác phẩm “Trà đàm” của Mai Trung Thứ bị làm giả.

Đang dậy thì đã gặp Sở Khanh

Trước kiểu mập mờ khi nhà đấu giá Sotheby’s dùng từ “tương đương”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng: “Trong nghệ thuật không có khái niệm tương đương, chỉ có tranh gốc, tranh giả và tranh nhái. Họ viết như thế là đánh tráo khái niệm, lừa đảo”.

Ông Khôi cũng cho rằng, gia đình có quyền nhân thân, vì vậy có thể viết thư phản hồi, cung cấp bằng chứng cho Sotheby"s. Nhà đấu giá có thể gỡ tác phẩm để bảo vệ danh tiếng. Ở Việt Nam không có tổ chức hay các điều luật chặt chẽ, rõ ràng để bảo vệ tác quyền cho họa sĩ. Đó cũng là lý do tranh thời kỳ Đông Dương bị giả rất nhiều.

Cũng mới đây, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi lên tiếng khẳng định về một Facebooker đăng tranh của họa sĩ Nam Sơn: “Nhìn chữ ký trên bức tranh giả, chúng ta nhận ra người vẽ cố tình bắt chước chữ ký của Nam Sơn dùng trong những bức tranh khác, nhưng nét chữ không có tí gì của Nam Sơn. Những điều này đưa ra một kết luận, có sự nghiên cứu cố tình với mục đích đánh lừa những người không có kinh nghiệm trong việc sưu tầm tranh cổ”.

Theo ông Khôi, “quốc nạn” tranh giả là một vấn đề nan giải đối với thị trường tranh vừa chớm nở của Việt Nam. Thị trường tranh, hay nói đúng hơn tranh Đông Dương có một thời lên rất cao - nhờ tiếng nói của Victor Tardieu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại các triển lãm quốc tế.

Nhà đấu giá Linda Trouvé đang rao bán bức tranh giả nhái tác phẩm của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Nhà  đấu giá Linda Trouvé đang rao bán bức tranh giả nhái tác phẩm của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

“Tại sao họ không thể giả tranh Picasso, Van Gogh… Đó là tại các nước tiên tiến, luật pháp bảo vệ tác quyền rất nghiêm minh. Các nhà đấu giá ngại việc ảnh hưởng danh tiếng. Riêng với tranh Việt Nam, các nhà đấu giá chỉ cần bán được tranh để lấy tiền, danh tiếng không hề lung lay vì luật pháp của chúng ta chưa có gì phân minh trong việc bảo vệ tác quyền”. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi

Bức tranh Việt Nam đầu tiên được chính quyền Pháp mua vào năm 1929 là tác phẩm “Chợ gạo bên sông Hồng” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Tiếp theo đó là các tên tuổi như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân… tỏa sáng rực rỡ trong các triển lãm tại Pháp, Ý, Hoa Kỳ…

Từ sau 1954 do chiến tranh, thị trường tranh Việt hoàn toàn chìm sâu và lãng quên. Trong khi đó, mỹ thuật tại các nước vùng Đông Nam Á - dù sinh sau đẻ muộn, vẫn có môi trường lớn lên.

Lớp bụi thời gian được phủi đi vào đầu thập niên 1980 với các tên tuổi Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tử Nghiêm. Từ đó, thị trường tranh giả bắt đầu bùng phát. Bùi Xuân Phái là một trường hợp đau đầu - từ đỉnh cao tuột dốc một cách không kìm hãm được.

“Trong khi thị trường mỹ thuật các nước dần trưởng thành, thì Việt Nam đối diện với nạn tranh giả - vẫn chỉ chập chững biết đi. Khi bức “Gia đình” của họa sĩ Lê Phổ cán mốc triệu đô, tôi cho rằng thị trường tranh Việt bắt đầu bước vào tuổi dậy thì”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận xét.

Ấy thế nhưng, đang “dậy thì đã gặp Sở Khanh”, nạn tranh giả đã trở thành “quốc nạn”. Các nhà nghiên cứu đồng lòng, nếu chúng ta không quyết tâm cùng nhau bài trừ tranh giả thì khó lòng để thị trường mỹ thuật Việt Nam “dậy thì thành công”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.