Tranh nhái và vòng luẩn quẩn bảo vệ bản quyền

GD&TĐ - Mới đây, thị trường mỹ thuật Việt Nam lại thêm một lần dậy sóng khi đồng loạt các họa sĩ tên tuổi phát hiện tranh của mình bị sao chép, làm giả và rao bán công khai trên một trang web. Đây cũng là hồi chuông báo động về nạn tranh giả, tranh chép đang tràn lan ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Tranh nhái và vòng luẩn quẩn bảo vệ bản quyền

Bức xúc nạn tranh giả

Cách đây ít hôm, họa sĩ Đặng Tiến (sinh sống tại Hải Phòng) đã phát hiện ra nhiều tranh của ông bị chép lại và bán công khai trên trang web xuongtranh.vn với giá rẻ.

Ông đã viết email cho trang web này yêu cầu phải gỡ bỏ ngay các hình ảnh tranh của ông cùng việc nhận đặt hàng, đồng thời cũng công bố sự việc này cùng các bằng chứng hình ảnh lên trang mạng xã hội cá nhân.

Theo tìm hiểu, xuongtranh.vn là một dự án khởi nghiệp của một nhóm trẻ tuổi. Khi vào trang web này, người mua chỉ cần xem tranh, ưng giá, click vào giỏ mua hàng, điền thông tin và xuongtranh. vn sẽ chép lại bức tranh khách đặt.

Giá khá bèo, chủ yếu tranh có giá 2 - 3 triệu đồng. Nhiều tên tuổi của làng hội họa cũng là nạn nhân bị rao bán tranh giả, tranh nhái trên trang web này như Nguyễn Thanh Bình, Khổng Đỗ Duy, Mai Huy Dũng…

Sau phản hồi đầy bức xúc của nhiều họa sĩ, web xuongtranh.vn đã phải xin lỗi và hiện giờ, số tranh giả được rao bán công khai đã bị tháo gỡ.

Tuy nhiên, thông tin này khiến nhiều họa sĩ cảm thấy xót xa vì nạn tranh giả - tranh thật đang làm cho nền mỹ thuật Việt Nam đi xuống. Họ đã “tụ họp” tại Hà Nội đồng loạt lên tiếng “tố” việc ngang nhiên chép tranh rồi rao bán trên mạng, trong số đó có nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu như: Thành Chương, Phạm Văn Hải, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Đặng Tiến…

Cần cơ chế bảo vệ quyền lợi họa sĩ

Đây không chỉ là một trang web cá biệt từng bán tranh chép. Thời gian qua, đã có rất nhiều trang web và mạng xã hội công khai bán và nhận đặt hàng tranh chép của nhiều họa sĩ Việt rẻ như rau ngoài chợ.

Theo họa sĩ Thành Chương, nạn tranh chép, tranh giả bao nhiêu năm qua đã làm thiệt thòi cho cả nền mỹ thuật của dân tộc, làm hình ảnh mỹ thuật Việt Nam xấu xí trong mắt những nhà sưu tập tranh thế giới. Đây là cái giá đắt vô cùng đối với giới làm nghệ thuật.

Tuy nhiên, phản đối thì chỉ là phản đối vì lĩnh vực này rất khó để quy tội bởi việc sao chép tranh ngày càng tinh vi với những thiết bị hiện đại. Việc thẩm định ở trên cũng khó mà ở dưới mà cũng rất khó. Cho nên để xử lý việc này là một chặng đường dài khá khó khăn.

Họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ: “Tranh mình vừa đưa lên Facebook lập tức bị nhái ngay tới 70 - 80%, song họ ký tên họ và bảo vẽ 5 - 7 năm trước. Điều này làm cho các nhà sưu tập trong và ngoài nước hoang mang khi đầu tư sưu tầm tranh của Việt Nam, vì họ không biết tác phẩm đó có phải của tác giả ấy hay không, hay là được chép, thuổng của ai đó”.

Phạm An Hải mong muốn giới họa sĩ bàn bạc, thành lập một cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho giới họa sĩ, xác lập bản quyền và phân xử quyền lợi khi tranh chấp. Cơ quan này theo ông nên thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Với các tổ chức chép tranh cần được cơ quan chức năng như Bộ VH,TT&DL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, các sở văn hóa kiểm soát.

Các họa sĩ hiện đang lên tiếng kêu gọi nên tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Các tổ chức làm tranh giả, tranh chép cần phải được xử lý bởi các cơ quan chức năng. Hiện nay, họ hoạt động mà không có ai quản lý, kiểm soát gì cả. Hội Mỹ thuật Việt Nam cần chính thức nêu vấn đề tranh giả, tranh chép để phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi các họa sĩ, chấm dứt nạn tranh chép, đồng thời đảm bảo một xã hội văn minh, an toàn và sáng tạo...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.