Không phải mới đây, nạn tranh giả, tranh chép, tranh nhái mới xuất hiện. Theo nhà phê bình, họa sĩ Phan Cẩm Thượng thì nó đã tồn tại cách đây chừng 30 năm. Thực trạng khiến các họa sĩ tuyệt vọng về vấn đề bản quyền nhưng không có cách gì bảo vệ bản thân, vì một phần lỗi do chính các họa sĩ dễ dãi; thậm chí cẩu thả khi thản nhiên chép lại, thay đổi tí chút khiến phong cách của họ dễ bị bắt chước.
Tranh giả lên sàn đấu giá
Năm 2019 là một năm đầy sóng gió với giới hội họa bởi hàng loạt tác phẩm bị phát hiện là tranh giả, tranh nhái. Trong số đó, nhiều bức tranh được công khai rao bán trên mạng xã hội cả trong nước và nước ngoài.
Họa sĩ Lâm Đức Mạnh phát hiện tác phẩm "Chiều thu bên Ô Quan Chưởng" của mình bị một trang web đóng logo khẳng định bản quyền và rao bán. Tuy nhiên, có chi tiết khác dễ phát hiện giữa bức tranh của ông và bức tranh giả kia chính là vị trí biển cấm ô tô và chiếc cột đèn.
Lúc đầu, ông Mạnh đưa ảnh bức tranh lên trang VietArt Space, nhưng sau đó đã đổi lại vị trí của biển cấm ô tô thành cột đèn. Người nào đó đã lấy hình ảnh cũ và chép lại tác phẩm. Còn bức tranh gốc của ông Mạnh được bán và treo tại một khách sạn tại Hà Nội.
Năm 2019, hai tác phẩm là "Lá thư" của danh họa Tô Ngọc Vân và "Hai cô gái" của Trần Văn Cẩn được Sotheby’s Hong Kong đưa ra đấu giá. Bức tranh "Lá thư" được định giá từ 101.000 - 191.000 USD, "Hai cô gái" được định giá 7.600 - 11.000 USD.
Sotheby’s Hong Kong được đánh giá là cầu nối bền bỉ và chất lượng nhất trong việc quảng bá hội hoạ Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, ngay khi hai bức tranh được công bố đã bị nghi ngờ là tranh giả, vì một bảo tàng ở Việt Nam mới là nơi đang lưu giữ hai tác phẩm này. Sau đó, nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong đã phải rút hai tác phẩm nói trên khỏi danh sách đấu giá.
Mới đây nhất, những bức tranh dự kiến đấu giá vào giữa tháng 7/2020 của nhà đấu giá Tajan (Pháp) đã phải thay đổi. 5/6 bức tranh dự kiến đưa vào phiên đấu giá với chủ đề "Nghệ thuật châu Á" bị gỡ bỏ vì dính đến nghi vấn giả mạo.
Các tác phẩm được cho là của các danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên và Nguyễn Gia Trí được giới thiệu rất trang trọng trên Tajan. Tuy nhiên, nhà đấu giá buộc phải gỡ các tác phẩm được cho là của Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái.
Tranh càng hiếm càng dễ bị giả
Nhà phê bình mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, các nhà đấu giá Pháp đánh giá rất cao tranh của họa sĩ thế hệ Đông Dương. Ngay khi sở hữu tác phẩm của các danh họa này, lập tức họ sẽ làm truyền thông và đưa ra đấu giá.
Theo một số nhà nghiên cứu, khi Việt Nam mở cửa kéo theo nhiều nhà sưu tập nước ngoài săn lùng tác phẩm của các danh họa miền Bắc. Từ đó nạn tranh giả bắt đầu xuất hiện. Điển hình có người chép tranh của chính cha ông mình, rồi khẳng định đó là tranh thật. Cứ thế đến lúc thật giả lẫn lộn khiến thị trường mỹ thuật nhiễu loạn.
Theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, trước đây ông đã nhiều lần bày tỏ những nghi ngờ của mình về tính chân bản của một số tác phẩm hội họa treo ở một bảo tàng ở Việt Nam. Nghi ngờ vì trình độ vẽ của những bức tranh được gọi là của danh họa đó rất non yếu, đến mức phải khẳng định rằng, đó là tranh chép lại, hoặc nếu đúng là của họa sĩ vẽ ra thì cũng chưa đáng giá.
"Do chiến tranh, có thời bảo tàng phải đưa nhiều tác phẩm đi sơ tán và treo những phiên bản. Những phiên bản thời đó khá tốt, vì do chính tác giả sao lại, hoặc do một họa sĩ giỏi khác làm, nhưng hội họa luôn là độc bản, sự sao chép dù tốt đến đâu cũng không thay thế được chân bản", ông Thượng khẳng định.
Cho đến nay, hầu hết các vụ việc liên quan đến tranh giả, tranh chép nhái bị phát hiện thông qua những nhà đấu giá lớn có danh tiếng tầm quốc tế.
Còn những gallery nhỏ lẻ thì sao? Nhà nghiên cứu Phạm Long đã và đang lo ngại ở các cơ sở này: "Tranh giả theo con đường đi từ gallery này đến gallery khác và hợp thức hóa rồi đưa lên sàn đấu giá quốc tế. Có thể khẳng định một điều là vô cùng khó để tìm hiểu việc mua bán ở các gallery".
Ông Long cho rằng, nhiều nước có quy định cụ thể về tranh chép hay tranh vẽ theo. Chỉ có điều khi mua bán trên sàn đấu giá uy tín, họ tuân thủ pháp luật, đề rõ ràng nguồn gốc xuất xứ và người mua biết đó là tranh sao chép hay tranh vẽ theo.
Họa sĩ Khải Đinh kể rằng, đầu năm 2020 ông phát hiện một gallery ở Hà Nội nhái chính bức tranh mà ông từng vẽ cách đây 15 năm. Bức tranh ấy được họa sĩ bán cho một khách sạn lớn, rồi không biết thế nào lại tràn ngập trên thị trường. Sau cả tháng dò hỏi ông mới biết, chủ gallery thấy bức tranh đẹp nên chụp lại rồi cho người vẽ nhái.
"Chủ gallery tỏ ra hối lỗi và hứa không sao chép nữa. Các bức tranh giả vẽ không đạt, có lẽ do tay nghề thợ chép yếu nên tôi không làm to chuyện. Nhưng dù gì tôi vẫn có cảm giác bị ăn trộm và bị xúc phạm", họa sĩ Khải Đinh nói.
Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, tranh càng đẹp, càng hiếm, tác giả càng có tên tuổi thì càng dễ trở thành "hình tượng" để các đối tượng làm giả. Trong khi đó, việc giám định một bức tranh để khẳng định là thật hay giả cũng rất phức tạp, liên quan tới nhiều thứ và không loại trừ có sự liên can của chính thân nhân tác giả.
"Đa số họa sĩ rất bức xúc trước nạn tranh giả, nhưng thực tình thì chúng ta không có nhiều thay đổi. Giới mỹ thuật và nghiên cứu thường hỏi nhau là tại sao tội phạm làm tiền giả bị xử lý nặng mà không có đối tượng liên đới nào trong vấn nạn tranh giả bị xử lý" - Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Phạm Long.