Thị trường lớn nhất thế giới sắp chào sân

GD&TĐ - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2022 sau khi Australia và New Zealand thông báo phê chuẩn hiệp định này, mở ra một thị trường chung lớn nhất toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

New Zealand hôm 3/11 ra tuyên bố xác nhận đã phê chuẩn RCEP, muộn hơn một ngày sau thông báo tương tự của nước láng giềng Australia. Trước đó, Việt Nam và một số nước ASEAN là Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan cùng với hai nước Đông Á Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã phê chuẩn hiệp định thương mại này.

Việc Australia và New Zealand thông báo phê chuẩn có ý nghĩa mang tính cột mốc đối với RCEP. Lý do là theo quy định, hiệp định này sẽ có hiệu lực trong 60 ngày ngay khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 quốc gia ngoài ASEAN ký phê chuẩn. Sau thông báo của New Zealand, điều khoản này đã được kích hoạt và RCEP sẽ có hiệu lực kể từ tháng 1/2022.

Trước đó RCEP đã được ký kết thông qua hồi tháng 11/2020, sau 8 năm đàm phán ròng rã và trở thành hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 thành viên. Nhóm 10 nước ASEAN chiếm tỷ lệ thành viên cao nhất trong RCEP và 5 thành viên còn lại cũng là các đối tác thương mại lớn nhất của khối là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Giờ đây hiệp định thương mại lớn nhất toàn cầu này đã chính thức được đặt lên đường ray khởi động để có thể vận hành trong thực tế kể từ đầu năm tới. Khi đó các nền kinh tế RCEP sẽ có quy mô dân số 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới. Khối này cũng tạo ra tổng cộng 26.200 tỷ USD sản lượng toàn cầu, chiếm 30% nền kinh tế thế giới.

Xét về quy mô, sự ra đời của RCEP sẽ khiến nó trở thành khối thương mại vượt trội so với các khối khu vực hiện có của thế giới như Liên minh Châu Âu (EU) hay Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng nước Mỹ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau vì không tham gia RCEP.

Đặc biệt khi Trung Quốc tham gia RCEP càng khiến việc Mỹ không có mặt thêm bất lợi. Theo đó các nỗ lực của Mỹ đối phó với những hành động thương mại không công bằng của Trung Quốc sẽ kém hiệu quả, vì Washington không tranh thủ được cơ hội hợp tác mới tại châu Á này khi đứng ngoài RCEP.

Khả năng này càng bị đào sâu khi Mỹ còn rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Cho dù dưới góc nhìn của các chuyên gia tài chính, lợi ích kinh tế từ việc tham gia RCEP sẽ rất khiêm tốn và phải mất nhiều năm để hiện thực hóa, nhưng việc Mỹ vắng mặt và Trung Quốc tham gia khối này vẫn được coi là một chiến thắng địa chính trị của Trung Quốc, nhất là vào thời điểm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị suy yếu.

Trong khi đó, RCEP có hiệu lực còn tạo ra một thị trường xuất khẩu rộng lớn và ổn định cho các nước thành viên, đặc biệt là 10 nước ASEAN, nhất là trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đang gặp bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Khối thương mại chung này còn tạo ra khuôn khổ pháp lý có tính ràng buộc về thương mại, đầu tư hay sở hữu trí tuệ để hình thành sân chơi công bằng cho một khu vực rộng lớn của thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.