Thị trường lao động trong kỷ nguyên số: Vươn ra biển lớn

GD&TĐ - Để có thể hưởng lợi tối đa từ thương mại tự do, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện các chính sách thị trường lao động bao gồm cả cách tiếp cận có hệ thống nhằm cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động đang ngày một gia tăng về số lượng.

Trước thách thức trong kỷ nguyên số, lao động trẻ cần được đào tạo những kỹ năng về công nghệ thông minh
Trước thách thức trong kỷ nguyên số, lao động trẻ cần được đào tạo những kỹ năng về công nghệ thông minh

Rộng mở các chính sách lao động

Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về thị trường lao động ASEAN 2010 - 2015 cho thấy, các chính sách khởi xướng diện rộng trong khu vực được triển khai trong thời kỳ này bao gồm: Luật Dạy nghề (2014), Luật Giáo dục đại học (2012) và Luật Lao động (2013) của Việt Nam. Luật Lao động và phát triển kỹ năng (2013), Luật Giáo dục quốc gia (2014) của Myanmar. Luật Giáo dục cao đẳng (2014), Luật Giáo dục (2015) và Nghị định Giáo dục đại học (2015) của Lào.

“Việt Nam đang nỗ lực cải cách pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người nhằm đảm bảo sự chia sẻ công bằng lợi ích từ thương mại tự do và tăng năng suất” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Ông Andre Gamma, Chuyên gia của ILO cho biết: Đã có những nỗ lực đáng kể của các quốc gia trong việc đưa ra những chính sách lớn để xử lý những vấn đề về lao động, việc làm. Đào tạo là một hạng mục với nhiều chính sách hơn trong bộ kho dữ liệu. Hạng mục này thể hiện tính đồng bộ trong khu vực về nhu cầu phát triển kỹ năng. Việt Nam là quốc gia thực hiện nhiều nhất các chính sách nhằm tạo ra việc làm tốt cho người lao động. Cụ thể, các chính sách này tập trung vào việc mang lại lợi ích cho người lao động, thông qua việc nâng cao quyền lợi của họ hoặc cải thiện hỗ trợ cho người thất nghiệp, trong đó trọng tâm là phát triển kỹ năng cho người lao động và mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội.

Theo ghi nhận, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có những điểm sáng, bao gồm sự chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Hiện, số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 40% lao động xã hội, cơ bản đạt mục tiêu giảm lao động nông nghiệp xuống dưới 40% trong giai đoạn 2015 - 2020. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động tăng đều đặn, mức độ phân biệt trả công lao động giữa nam và nữ được thu hẹp…

Thách thức trong kỷ nguyên số

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục như: Cơ cấu lao động lạc hậu, vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật. Đặc biệt, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học vẫn rất cao. Nhiều sinh viên khi ra trường phải làm trái ngành nghề được đào tạo… Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự bùng nổ của ứng dụng Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất đang đặt ra nhiều thách thức về giải quyết việc làm. 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia vào những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi robot, thiết bị công nghệ thông minh.

Để có thể vượt qua những thách thức này, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chính sách thị trường lao động và cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và những nỗ lực không ngừng nhằm phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam.

Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee cho rằng: “Việt Nam cần có những chính sách thị trường lao động hiện đại dựa trên bằng chứng đáng tin cậy nhằm liên tục đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu của các ngành công nghiệp và người lao động, cùng với việc cung cấp bảo trợ xã hội cần thiết cho người lao động trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng với đặc thù là Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ