Theo văn bản này, việc đánh giá, phân loại phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả hoạt động và công tác của công chức, viên chức, người lao động; phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc khách quan, công bằng, tập trung dân chủ; không nể nang, trù dập, thiên vị và hình thức.
Qua đánh giá làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và triển vọng phát triển của công chức, viên chức và người lao động.
Lấy kết quả đánh giá, phân loại để làm căn cứ cho công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với công chức, viên chức và người lao động.
Thủ trưởng (Giám đốc Sở và Trưởng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở GD&ĐT) đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Lưu ý: Đối với nội dung đánh giá, phân loại viên chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, bãi bỏ tiêu chí: “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận”.