Thực tế, giảng dạy Kỹ năng mềm cho SV được không ít trường ĐH - CĐ thực hiện từ năm 2010. Tuy nhiên, hoạt động này tại các trường vẫn chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức người học.
SV thờ ơ, nhà trường chậm đổi mới
Chính sự bị động trong phương pháp truyền tải, hình thức truyền tải và cả “vốn liếng” của nhiều giảng viên vẫn chưa thật sự “giàu có” khiến cho việc xây dựng các chủ đề, các tình huống tương tác, tích lũy kỹ năng mềm của SV phần nhiều vẫn nằm ở mức… nhận thức.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Dũng, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, nguồn nhân lực trong thời đại toàn cầu hóa không chỉ đòi hỏi đáp ứng năng lực chuyên môn cao mà còn đòi hỏi những năng lực thuộc các vấn đề ngoài chuyên môn để có thể thích ứng nhanh, hiệu quả trong sự biến đổi không ngừng của kinh tế, xã hội đương đại. Tuy nhiên, SV của chúng ta vẫn còn khá “vụng” trong vấn đề này.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Dũng dẫn chứng; Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam (2010) xác định trình độ kỹ năng lao động của lao động Việt Nam được đánh giá là thấp. Cụ thể, báo cáo dẫn nguồn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (6/2010) cho thấy, khoảng 65% lực lượng lao động Việt Nam không có kỹ năng và khoảng 78% dân số trong độ tuổi 20 - 24 không được đào tạo hoặc thiếu các kỹ năng cần thiết…
|
Nguyên nhân không chỉ nằm ở sự thờ ơ của chính mỗi SV mà còn ở sự thiếu quan tâm của các trường ĐH - CĐ.
“Nhà trường chậm đổi mới, SV hầu như không để ý hoặc tự trau dồi trong thực tế học tập và làm việc của mình, dẫn đến việc chậm thích ứng với công việc và khó có khả năng làm việc ở môi trường đòi hỏi sự hợp tác, cạnh tranh cao” - Thạc sĩ Dũng đánh giá.
Nói về nhận thức của SV với môn học kỹ năng mềm, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: Trước năm 2016, khảo sát 100 SV thì có đến 85% SV thờ ơ, hiểu sai về việc học và rèn luyện kỹ năng mềm.
“Ngoài việc cho rằng vấn đề ấy chỉ là vấn đề phụ, môn phụ thì nhiều SV có suy nghĩ kỹ năng mềm là thứ gì đó cao siêu nên ngại tiếp cận. Tuy nhiên, khi nhà trường thực hiện mạnh việc tuyên truyền, đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, ứng xử và sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề, SV bắt đầu quan tâm hơn.
Nếu các trường ĐH - CĐ biết “tô sắc màu” cho các hoạt động trải ngiệm, dạy kỹ năng mềm cho SV, đặc biệt là gắn trực tiếp các tình huống theo ngành nghề của từng khoa, khối lớp, chuyên ngành SV đang theo học thì sự thờ ơ, lạnh nhạt của sinh viên hoàn toàn biến mất”- thạc sĩ Thoa chia sẻ.
Giải pháp nào để dạy kỹ năng mềm hiệu quả cho SV?
Theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn kỹ năng mềm không phải là cái gì quá cao siêu, nó chính là những cái thường nhật của cuộc sống hàng ngày, những điều diễn ra xung quanh chúng ta. Vì vậy, để SV lĩnh hội được “vốn sống” thực ấy không cách nào khác là các trường phải tạo ra được cho các em sự trải nghiệm từ chính các tình huống, những câu chuyện, thậm chí là nghịch cảnh cuộc đời một ai đó.
Phải cho các em đối diện, phải “thả” các em vào trong chính các tình huống thật nhất của đời sống, các em mới hình thành và tích lũy cho mình được vốn kỹ năng cần thiết.
“Có nhiều SV được sống trong sự bao bọc, sự nuông chiều nên có nhiều thứ khi bước chân ra cuộc sống, khi va chạm các em không biết xử lý thế nào. Vấn đề của các thầy cô giáo, của nhà trường phải là người dẫn dắt, sử dụng “vốn sống” của chính bản thân để dạy cho các em. Kỹ năng mềm chẳng ở đâu xa, nó ngay trước mặt, những điều nhỏ nhặt nhất.
|
Tôi luôn nói với SV của mình rằng: Hãy bắt đầu chính suy nghĩ, ý thức của mình. Cái gì cảm thấy đúng, cần phải làm để xây dựng văn hóa học đường thì hãy làm; gặp thầy cô phải biết cúi đầu chào, thấy rác sân trường thì nên nhặt, thấy bạn đau cần tương thân giúp đỡ… kỹ năng hình thành từ những điều bình thường ấy mà ra chứ đâu” - TS Lê Lâm chia sẻ.
Thực tế, việc dạy kỹ năng mềm cho SV hiện nay tại các trường ĐH - CĐ phần nhiều chủ yếu dựa trên chính “vốn sống”, sự trải nghiệm đời sống của các giảng viên. Việc dạy kỹ năng mềm chủ yếu dựa trên việc lồng ghép hoặc được giảng viên xây dựng thành các chuyên đề, tình huống câu chuyện hoặc hoạt động ngoại khóa.
Chuyên nghiệp hơn thì ở vài trường việc dạy kỹ năng mềm cho SV thông qua sự biến tấu từ modul, bộ giáo trình của nước ngoài do chính các khoa, viện hoặc trung tâm trong nhà trường đảm nhiệm.
TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng cho rằng giảng dạy kỹ năng mềm khác nhiều so với giảng dạy các môn khoa học thuần túy, đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tâm lý lứa tuổi, có kinh nghiệm và sự trải nghiệm thực tế. “Dạy kỹ năng mềm hiệu quả phụ thuộc nhiều vào chính người giảng viên. Giảng viên ngoài việc biết kiểm soát lớp, bản thân họ phải là người có kỹ năng mềm. Giảng viên mà chưa có nhiều trải nghiệm, vốn sống chưa nhiều (GV trẻ) thì sao có đủ “độ dày” kỹ năng để mà trao đổi với SV” - TS Lý nói.
Theo PGS.TS Hà Nam Khánh Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng Trường ĐH Tài chính - Marketing, đây là hướng đi khả dĩ nhất nếu muốn hình thành và trang bị cho SV những kỹ năng mềm cần thiết. Ông cũng cho rằng, việc giảng dạy một cách chuyên nghiệp, không chỉ giúp SV tự tin hơn, mà còn giúp các em dễ hòa nhập với thị trường lao động, đòi hỏi từ chính đơn vị tuyển dụng các em về làm.
“Chính kỹ năng mềm cũng sẽ góp phần làm nên chất lượng giáo dục trong môi trường đại học. Vì lẽ đó, Trường ĐH Tài chính - Marketing có hẳn bộ môn Kỹ năng mềm để dạy cho SV. Ban đầu được thí điểm bởi khoa Du lịch, sau đó trường chính thức giao cho Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng trực tiếp đảm nhận. Bộ môn Kỹ năng mềm trực thuộc viện này ra đời.
Hiện nay, bộ môn này có 11 giảng viên cơ hữu. Nhà trường giảng dạy 6 kỹ năng chính, trong đó có 4 kỹ năng bắt buộc gồm kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, tư duy sáng tạo. Mục tiêu là hoàn chỉnh dần khả năng của các em khi ra trường, các em vừa tiếp cận được kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng, vừa được đào tạo một thái độ tích cực”- PGS.TS Khánh Giao cho biết.