Trái ngược với không khí nhộn nhịp mỗi dịp cuối năm, Tết Canh Tý năm nay ghi nhận sự đảo chiều của thị trường bia, rượu Tết một cách bất ngờ. Sức mua giảm mạnh khiến nhiều lý kinh doanh bia, rượu đã giảm giá để “tháo hàng” thu hồi vốn.
Thị trường bia, rượu ảm đạm
Ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị, đại lý kinh doanh và phân phối bia, rượu cho thấy; sức mua năm nay giảm rất mạnh.
Cô Nguyễn Thị Chi - một đại lý phân phối bia tại Thủ Đức cho biết, thường lệ, từ ngày 23 âm lịch trở đi lượng người mua đã nhộn nhịp, mỗi ngày bán được gần 50 thùng bia. Nhưng tính đến hôm nay số lượng bia bán ra không bằng 50%/ngày thường. Lo sợ hàng tồn nhiều nên cô Chi buộc phải hạ giá các loại bia để “tháo hàng” trước Tết. Tuy nhiên, lượng bia tiêu thụ theo lời cô Chi vẫn rất chậm dù có thùng bia cô phải giảm giá sâu đến 25.000 đồng/thùng.
“Tôi giảm giá sâu trên tất cả các mặt hàng như: Bia Hà Nội (Habeco) chỉ còn 230.000 đồng/thùng/24 lon, bia 333 còn 235.000 đồng/thùng/24 lon, Heineken còn 400.000 đồng/thùng/24lon (năm ngoái bán 445.000 đồng)… Nhưng hàng ra vẫn rất chậm. Chưa từng thấy năm nào mà bán ế ẩm như năm nay. Chắc do tâm lý sợ bị phạt của người dân nên lượng bia tiêu thụ năm nay sụt giảm mạnh”- Cô Chi nói.
Cùng cảnh ngộ, chủ một đại lý bia trên đường Lê Văn Việt, Quận 9 khi được tôi hỏi giá các loại bia đã báo giá bán thấp hơn so với mặt bằng chung. Cụ thể, giá bia 333 là 235.000 đồng/thùng, Tiger 325.000 đồng/thùng, Heineken 395.000 đồng/thùng, Heineken nhãn Tết 405.000 đồng/thùng, Hà Nội (Habeco) là 245.000 đồng/ thùng. Các mức giá đưa ra thấp hơn mức giá chung nhiều đại lý từ 15.000-35.000 đồng/thùng.
Không riêng gì các tổng đại lý, các đại lý bia ế ẩm, tại siêu thị Big C Dĩ An, nơi đang niêm yết mức giá bia bán lẻ gần như tốt nhất so với các hệ thống siêu thị khác, thậm chí giá bán còn tốt hơn so với các đại lý bia cấp 2 ở ngoài nhưng sức tiêu thụ năm nay cũng rất kém.
Chị Trang Hồng Nhung- nhân viên tiếp thị bia tại quầy cho biết: sức mua có giảm đáng kể so với thường năm. Nhiều người khi được mời mua đã thẳng thắn lắc đầu nói: Sợ cái Nghị định 100 lắm.
Sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, các quán nhậu cũng rơi vào tình trạng "đói khách" |
Người dân đã thay đổi thói quen?
Tết là phải vui, là phải có chút bia chút rượu đãi nhau. Vì vậy, như một thói quen nhiều năm qua người dân Việt Nam cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là lại biếu nhau thùng bia, chai rượu làm quà.
Tuy nhiên, sự ế ẩm chưa từng có trong lịch sử mặt hàng bia, rượu Tết tại TP.HCM cho thấy thói quen ăn Tết và ý thức bảo vệ bản thân, vì cộng đồng của dân Việt đã thay đổi rõ rệt. Thay vì biếu nhau thùng bia, chai rượu làm quà, Tết này anh Nguyễn Thành Trung lựa chọn việc mua tranh tặng bạn bè, người thân dịp Tết.
“Bia rượu thật sự không tốt cho sức khỏe. Xã hội văn minh thì càng phải nên tránh xa bia, rượu. Thực tế các thống kê tác hại của bia rượu sau mỗi dịp Tết cho chúng ta thấy tác hại rất lớn của việc cổ xúy nhau uống bia, rượu.
Vì vậy, năm nay tôi quyết định thay đổi thói quen bằng việc tặng tranh cho bạn bè, người thân. Vừa đảm bảo sức khỏe cho bạn mình, vừa hưởng ứng phong trào nói không với bia rượu khi lái xe”- Anh Trung nói.
Thực tế hơn anh Trung, anh Lê Phương Bình (Thủ Đức) thì cho rằng: Thị trường bia, rượu Tết sụt giảm mạnh là vì dân nhậu sợ bị phạt nặng sau Nghị định 100 của Chính phủ. Nhưng cái đó chỉ là một phần nguyên nhân.
“Theo cá nhân tôi nghĩ thì nhiều người đã nhận thức rõ tác hại của việc rượu, bia quá đà nên họ bỏ. Mặt khác họ không muốn vì mình mà bạn bè, người thân của mình bị phạt oan”-anh Bình chia sẻ.
Theo Bloomberg, doanh số bán bia tại Việt Nam đã giảm ít nhất 25% từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 21 tỉ đồng với hơn 6.200 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Cụ thể theo Bloomberg, Chính phủ Việt Nam đang có những động thái quyết liệt để hạn chế tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia, mục tiêu là giảm số vụ tai nạn giao thông.
Trong khi đó, báo cáo của Euromonitor International cho thấy giai đoạn 2004-2018, người trẻ và tầng lớp trung lưu là nguyên nhân chính dẫn đến lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng 284%. Đây cũng được coi là tác nhân thúc đẩy Thai Beverage chi 4,8 tỉ USD mua cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cách đây 2 năm.
Một khẩu hiệu tuyên truyền về tác hại của rượu bia bên cạnh quấy hàng bán bia, rượu trong siêu thị |
Từ năm 2013 đến 2018, Việt Nam chứng kiến mức tiêu thụ bia bình quân mỗi gia đình tăng 30%, lên mức 43 lít/hộ. Việt Nam cũng là quốc gia có sản lượng bia lớn thứ ba khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, lượng bia trung bình một gia đình tại Mỹ tiêu thụ giảm 4%.